MARIA SHARAPOVA

Bông hồng thép trong bão tố

ANTĐ - Điểm khác biệt giữa một siêu sao và một VĐV bình thường là gì? Là thái độ đối mặt với những vấp ngã, sai lầm. Maria Sharapova đã dũng cảm làm được điều ấy?

Bông hồng thép trong bão tố ảnh 1

Đầu tiên, hãy bắt đầu bằng bản tin được truyền thông đăng tải đầu tuần, Maria Sharapova được tin rằng đã nhận được bức thư thông báo danh sách các chất cấm của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA), tuy nhiên cô quên mở thư. Bình luận về vấn đề này, Christine Brennan viết trên USA Today rằng: “Sharapova hoặc là kẻ gian lận dễ mến nhất hoặc một triệu phú ngây thơ. Chắc chắn cô ấy rơi vào một trong hai trường hợp kể trên. Không thể nào có chuyện Sharapova vừa là kẻ gian lận dễ thương kiêm triệu phú ngây thơ”.

Phân tích trên Foxsports, tác giả Chris Chase viết: “Hành động tổ chức họp báo và công khai vụ doping của Sharapova giống như hành động lạ lùng”. Người ta, là ai? Đồng nghiệp, nhà báo, người hâm mộ… tất thảy đều đặt ra dấu hỏi ngờ vực về sự ngây thơ của “Búp bê Nga”, liệu đó có phải lời nói thật hay trò giả dối bởi “Vì sao Sharapova lại quên click vào bức thư do WADA gửi dù cô hoàn toàn có thể làm điều đó?”. Sharapova cố tình hay vô ý sử dụng Meldonium chưa biết ra sao, nhưng cái cách cô đứng ra thừa nhận sai lầm cho thấy cô còn dũng cảm hơn rất nhiều các VĐV nam chuyên nghiệp khác đều cố giấu thông tin này trước khi mọi việc vỡ lở. 

Maria Sharapova có biết hậu quả khi khi tổ chức họp báo ở Los Angeles (Mỹ) công bố dương tính với chất cấm Meldonium? Cô ấy biết, bởi chẳng cần quá lâu, ngay sau khi bước ra khỏi phòng họp báo với bộ đồ đen với tuyên bố những điều khiến làng thể thao sửng sốt, cô đã bị nửa thế giới quay lưng. Chưa kể đến việc Sharapova là một tay vợt cô đơn. Theo mô tả của huyền thoại Chris Evert, Sharapova gần như không có bạn thân là đồng nghiệp.

Cô đã luôn tự cô lập mình so với phần còn lại của làng banh nỉ, cô không thể kết bạn tâm giao với các tay vợt khác, mọi mối quan hệ đều chỉ dừng lại ở mức độ đồng nghiệp. Thế nên khi sự việc xảy ra đã không nhiều người đứng ra bảo vệ cô, những người được hỏi đều tỏ thái độ khá dè dặt khiến sự cô đơn lớn hơn gấp bội trước bão tố bủa vây; người trung lập thì ví von cô như “bông hồng thép trong bão tố”.

Sharapova im lặng và từ từ đón nhận, đầu tiên là các nhà tài trợ buộc lòng phải tạm dừng hợp đồng với Sharapova vì nguy cơ tổn hại hình ảnh và kinh tế. Tiếp đến là không ít đồng nghiệp nam đã chỉ trích một Sharapova đang ở đáy vực khủng hoảng. Andy Murray nói anh chẳng hiểu vì sao ITF và WTA cho Sharapova tổ chức buổi họp báo. Anh tự hỏi tại sao một VĐV cấp cao lại có thể bị tim mạch mà vẫn thi đấu thường xuyên.

Anh quả quyết Sharapova xứng đáng bị phạt. HLV của Andy Murray, ông Brad Gilbert, cho rằng Sharapova xứng đáng phải lãnh hậu quả vì sự bất cẩn của mình. Cựu tay vợt Mỹ Jennifer Capriati: “Tôi cảm thấy tức giận và thất vọng. Theo ý kiến của tôi, toàn bộ các danh hiệu của Sharapova nên bị tước bỏ”. Rafael Nadal bày tỏ sự bất bình và cho rằng Sharapova phải trả giá cho việc làm của mình.

Trong khi đó, cựu VĐV điền kinh người Anh Katharine Merry viết trên Twitter: “Tôi thật sự phát bệnh khi cứ nghe các VĐV nói về việc họ sử dụng các loại thuốc mà đáng lý họ không được dùng. Điều đó rõ ràng là sai”.

Đúng, cô ấy sai nhưng liệu có đáng phải chịu những lời cay độc từ phía đồng nghiệp của mình? Ngày 10-3, Sharapova viết một bức tâm thư cảm ơn người hâm mộ đã sát cánh cùng cô trong cơn bão tố. Sau vài tiếng, đã có 185.000 lượt thích (like), hơn 7.000 lượt chia sẻ (share), hơn 16.000 bình luận (comment) là những lời động viên chân thành. Trong cô đơn cùng cực mới biết ai là bạn, trái ngược với những câu bình luận cay nghiệt của Murray, Nadal chúng ta lại thấy những con người ở bên cạnh cô, cùng cô vượt qua cơn bão. Đó là Novak Djokovic, là Serena William…

Tay vợt người Serbia chúc Sharapova những điều tốt đẹp nhất, bày tỏ thông cảm và mong Sharapova vượt qua cú sốc này để trở lại mạnh mẽ hơn. Serena Williams vốn chẳng ưa gì Sharapova, vậy mà cô đã nêu ra được hành động giúp “Búp bê Nga” xứng đáng được tha thứ và đồng cảm: “Dám đối mặt với những gì mình làm”.

Tay vợt nữ huyền thoại người Mỹ Martina Navratilova gọi Sharapova chỉ mắc một “sai lầm lương thiện”. Cách nói này cũng được tay vợt nam người Mỹ Ryan Morrison sử dụng khi nhận xét: “Đây là một sai lầm lương thiện của một nhà vô địch vĩ đại”. Còn cựu tay vợt Mỹ James Blake đánh giá việc Sharapova tổ chức họp báo công bố dương tính với chất cấm là một hành động dũng cảm và sáng suốt.

Đối lập với hàng loạt nhà tài trợ cắt hợp đồng ngay lập tức với Sharapova, vẫn có những nhà tài trợ khác quyết định gia hạn với cô và ủng hộ cô hết mình. “Búp bê Nga” cũng cho thấy cô là người mạnh mẽ. Cô bước ra phòng tập gym ở Los Angeles với trang phục của Nike và đi xe Porsche…

Dư vị cuộc sống được tạo nên bởi những con người như vậy, sai lầm, thừa nhận và bước qua cái người ta gọi là “nỗi xấu hổ”, “sự bê bối”, “dấu chấm hết” cho một sự nghiệp lẫy lừng. “Tôi sẽ không kết thúc sự nghiệp theo cách này. Ít nhất là không phải ở trong một khách sạn ở Los Angeles với lối trang trí tồi tàn như thế này”. Tôi tin lời cô ấy nói. Tôi sẽ chờ ngày Masha trở lại, nhất định trở lại…                     

Masha sẽ chết nếu không dùng Meldonium?

Người phát minh ra thuốc Meldonium là Ivar Calvins cho biết việc cấm sử dụng loại thuốc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người dùng. Về mặt y khoa, Meldonium được áp dụng để chữa các bệnh tim mạch, lượng magiê thấp, cảm cúm và tiểu đường.

Phát biểu trước báo chí, Sharapova biện minh từ lâu đã mắc căn bệnh liên quan đến tim và hệ quả từ gene di truyền của bệnh tiểu đường. “Các vận động viên sử dụng Meldonium từ đây sẽ không được phép dùng loại thuốc này nữa, điều đó cũng đồng nghĩa cơ thể họ mất đi sự bảo vệ.

Loại thuốc này đã được lưu hành 32 năm và đột nhiên bị cấm sử dụng. Rồi đây, bạn có thể thỉnh thoảng phải chứng kiến những cái chết bất thình lình trong các sự kiện thể thao”, nhà phát minh Calvins nói với BBC.