Khi tội ác không thể phán xét tận cùng (1)

Bỗng dưng thành… tội phạm

ANTĐ - Đó là trường hợp đối với những bị cáo được giám định mắc bệnh tâm thần, mà y học định danh là chứng rối loạn hành vi gây nên. Người tâm thần gây án không còn là hiện tượng mới, nhưng nó luôn “nóng” bởi rõ ràng, cơ quan chức năng đang chưa có biện pháp để ngăn chặn loại tội phạm “đặc thù” này.

Nỗi lo sợ ám ảnh ở Yên Khê - Yên Thường


Giận, thương trước vành móng ngựa

Những ai có mặt ở trụ sở TAND TP Hà Nội vào sáng 16-9, dự khán phiên xét xử bị cáo Cao Phương Duy, 25 tuổi, nhà ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, phạm tội “giết vợ”, đều không khỏi tránh cảm xúc giận, thương. Gương mặt thư sinh, điển trai, của Duy, không ai nghĩ anh ta là kẻ phạm tội. Bản cáo trạng VKSND TP truy tố Cao Phương Duy tội danh giết người xác định: Ngày 12-2-2011, Duy chở vợ bằng taxi của gia đình đi ăn sáng, sau đó lại chở đến phố Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm để mua guốc. Tại đây hai vợ chồng Duy xảy ra to tiếng. Đến 11h trưa cùng ngày, Duy chở vợ ra đường Đinh Tiên Hoàng. Do bực tức với vợ nên đối tượng bất ngờ dừng xe. Ngay trong xe, Duy đã lấy con dao bấm dài 12cm ra đâm vợ. Đuổi, đâm vợ xong, Duy nhảy xuống hồ Gươm định tự sát. Rất may, vợ Duy qua cơn nguy kịch. Còn gã thanh niên 25 tuổi ấy cũng được người dân kịp thời kéo lên khỏi hồ nước.

Tìm hiểu bản chất vụ án cũng như những diễn biến tại phiên tòa, người ta mới “vỡ” ra một điều, việc anh chàng Duy gây án thực chất… chẳng có động cơ gì. Duy yêu vợ, và vợ Duy cũng tha thiết yêu chồng. Chỉ có điều, từ nhiều năm nay, Duy nhiều khi đã không làm chủ được lý trí, bản thân. Sau một vụ tai nạn, Duy mắc “hội chứng sau chấn động não”. Sức khỏe hồi phục dần nhưng tâm lý, hành vi, ứng xử của người con trai 25 tuổi ấy lại không còn trọn vẹn như xưa. Tâm lý, bệnh lý bất thường của Duy nghiêm trọng thêm khi thời gian sau này, anh ta hứng chịu nỗi đau lớn, là sự “ra đi” của cô con gái bẻ bỏng mới chưa đầy 2 tháng tuổi.

Trước phiên xét xử Cao Phương Duy, tôi đã hỏi thăm một bác sỹ của bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Vị bác sỹ khẳng định, với những trường hợp bệnh lý như Duy, phải có sự theo dõi, chăm sóc của bác sỹ. Nếu thuốc tốt, chăm sóc tốt, bệnh lý có thể thuyên giảm dần, từng bước ổn định. Nhưng điều này hình như đã không được thực hiện với Cao Phương Duy, cho đến trước khi anh ta trở thành bị cáo. Phiên xét xử hôm 16-9, vị chủ tọa hỏi một điều, Duy- hết sức thành khẩn-trả lời sang… điều khác. Bị cáo không làm chủ, ý thức được hành vi của mình, và luôn cố khẳng định bản thân mình hoàn toàn tỉnh táo. Đây là điều trái ngược với những tên tội phạm cố tình trả vờ mắc bệnh tâm thần để nhằm trốn tránh sự trả giá khi đứng trước vành móng ngựa. Kết thúc phiên xử, vị chủ tọa tuyên án Cao Phương Duy 7 năm tù, với tình tiết giảm nhẹ tối đa do Duy mắc chứng tâm thần.

Bị cáo Cao Phương Duy trước vành móng ngựa

Nước mắt thôn Yên Khê

Xóm nghèo Yên Khê, xã Yên Thường chưa bao giờ phải chứng kiến câu chuyện đau lòng như thế, xảy ra tại gia đình ông Vũ Văn Mạnh (SN 1963). Vụ án khởi nguồn từ gia đình ông Mạnh, và người đàn ông 48 tuổi ấy cũng chính là thủ phạm gây nên 9 nỗi đau cho các thành viên trong gia đình và hàng xóm. Sau đám cưới cô con gái 3 ngày, sáng 8-9, chàng rể cùng con gái ông Mạnh từ Thanh Hóa về làm lễ lại mặt. Cơm nước linh đình xong, ông bố vợ ngồi thừ trong nhà nhìn ra ngoài sân, rồi không hiểu vì lý do gì bỗng “nóng mắt” với chàng rể và một số người. Bất ngờ, ông Mạnh tìm được con dao trong nhà, và bắt đầu “màn” rượt đuổi, chém lần lượt từ con rể đến bất cứ ai chạn trán với ông ta trong nhà lẫn ngoài đường. Hậu quả, 9 người đã dính trận đâm chém vô cớ của ông Mạnh. Trong đó, một cụ bà hơn 80 tuổi, cũng là họ hàng của ông Mạnh, đã tử vong.

Sau khi gây ra hàng loạt vụ đâm chém như trên, ông Mạnh đã dùng dao tự đâm vào mình. Những người có mặt tại hiện trường đã khẩn trương chuyển các nạn nhân đi cấp cứu. Vũ Văn Mạnh cũng được đưa đến bệnh viện Đức Giang, sau đó chuyển sang bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Ở bệnh viện Tâm thần hơn 1 ngày, ông Mạnh bị chuyển thẳng vào Trại tạm giam số 1 để phục vụ công tác điều tra, xét hỏi.

“Vũ Văn Mạnh có bị tâm thần?” - câu hỏi này tôi đặt ra với điều tra viên thụ lý vụ án, cũng như những cán bộ y tế tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Câu trả lời đó phải sau 2, 3 tháng nữa mới có thể đưa ra, bởi bị can Mạnh còn phải trải qua quá trình giám định tâm thần. “Tuy nhiên từ sau thời điểm xảy ra vụ việc đến nay, ông ta không có biểu hiện gì của người mắc chứng tâm thần”, điều tra viên CAH Gia Lâm-người đang thụ lý vụ án cho biết. Hơn một tuần qua, từ khi trong bệnh viện đến lúc ở Trại tạm giam số 1, Vũ Văn Mạnh không chịu hợp tác với CQĐT. Mọi câu hỏi đưa ra chỉ nhận được sự im lặng. “Tôi cảm nhận đối tượng này khá lỳ lợm và tỉnh táo chứ không bị bệnh tầm thần. Những đối tượng bị mắc bệnh tâm thần sẽ không thể có những biểu hiện “tỉnh táo” như ông ta”, điều tra viên CAH Gia Lâm nhận xét.

Ở góc độ y học, bác sỹ Lý Trần Tình-Giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Nội lại có nhận xét, việc kết luận ông Mạnh có hay không bị tâm thần còn phải trải qua quá trình giám định. Tuy nhiên không loại trừ khả năng ông Mạnh bị rối loạn hành vi do nguyên nhân, tác động nào đó. Trong trường hợp này, giả thiết về nguyên nhân gây tác động đối với ông Mạnh được đưa ra có thể là do rượu. Cộng thêm tâm lý mỏi mệt chuẩn bị cho những ngày cưới trước đó. Vũ Văn Mạnh sẽ bị truy tố trước pháp luật. Đó là điều hoàn toàn bất ngờ với người dân thôn Yên Khê, về một người đàn ông từng qua quân ngũ, vốn được xem là hiền lành…

(Còn nữa)