Bỗng dưng bị "hà bá" nổi giận "cướp" nhà trong đêm

ANTD.VN - Câu chuyện ngôi nhà đang ở bỗng trôi tuột xuống dòng sông Hồng trong chớp mắt đang ám ảnh các hộ dân ở ngõ 975 Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Mong muốn có một căn nhà an toàn là nguyện vọng nhiều hộ dân đang sống trong hoàn cảnh tương tự ở dọc bờ hữu sông Hồng…

Cư dân chống nhà bằng cọc tre, đợi bờ lở được làm kè

Bỗng dưng bị "hà bá" nổi giận "cướp" nhà trong đêm ảnh 1

Những mảnh tường còn sót lại của căn nhà cuối ngõ 975 Bạch Đằng

Nguy cơ sạt lở thường trực

Bà Phạm Thị Bình (58 tuổi, chủ ngôi nhà cuối ngõ 975 Bạch Đằng) cho biết. khoảng 12h đêm 6-9, nhà bà bắt đầu có hiện tượng sạt lở. Ngôi nhà có diện tích trên dưới 30m2 giờ chỉ còn hơn 20m nền với mấy viên gạch lát...

Rất may không có thiệt hại về người. “Trước đó, được sự động viên của đồng chí Cảnh sát khu vực và lãnh đạo UBND phường, tôi và gia đình đã sang nhà ngoại ở tạm. Gia đình có 7 người (3 trẻ em) nếu ở lại chắc chắn đã có chuyện xấu xảy ra”, bà Bình nhớ lại.

Đằng sau căn nhà đã bị sạt lở hoàn toàn của bà Bình, còn một căn hộ với 4 nhân khẩu đã đi thuê nhà nơi khác để đảm bảo an toàn. Khu vực xảy ra sạt lở đã được UBND phường Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm) gắn biển cảnh báo khu vực sạt lở, nguy hiểm.

Hầu hết các gia đình sinh sống tại ngõ 975 bị ảnh hưởng. Các gia đình gần bờ sông đều gặp hiện tượng tường nứt, lún, thậm chí bị nghiêng do nền đất bị ảnh hưởng. Hiện nay, các gia đình tại đây đều rất lo sợ mỗi khi mưa lũ về.

Những người dân sống trong ngõ này đều chia sẻ rằng, không ai muốn ở nơi nguy hiểm thế này cả nhưng hoàn cảnh khó khăn buộc họ vẫn phải sống chung với lũ...

Bà Bình và người thân hiện thuê một căn nhà để tạm cư cách nhà cũ gần chục mét. “Những năm qua, chúng tôi luôn được chính quyền quan tâm, giúp đỡ nhiều mặt. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo thành phố xem xét, tạo điều kiện để chúng tôi có mái nhà an toàn” - bà Bình tâm sự. Đó cũng là nguyện vọng của 13 hộ dân ở ngõ 975  Bạch Đằng…

Theo quan sát của phóng viên, dọc tuyến bờ hữu sông Hồng thuộc địa phận các phường Chương Dương (Hoàn Kiếm), Bạch Đằng, Thanh Lương (Hai Bà Trưng), có không ít các ngôi nhà đang trong tình trạng tương tự căn nhà vừa bị sạt lở. Để phòng chống sạt lở, người dân chỉ dùng các biện pháp đơn giản như sử dụng cọc tre, bao cát để gia cố. 

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội nguyên nhân ban đầu của hiện tượng sạt lở được xác định là do việc lái dòng để hướng luồng lạch chính từ phía bờ tả sang cảng Hà Nội khiến dòng chảy thúc vào bờ vở chưa được gia cố phía bờ hữu. Cùng với đó, bờ sông Hồng khu vực này dốc đứng nên dễ gây sạt lở khi có mưa lớn.

Khu vực sạt lở được cảnh báo

Cần biện pháp lâu dài

Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Bích Hằng, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, phường đã báo cáo UBND quận, kiến nghị các sở, ngành thành phố có phương án bảo đảm an toàn cho người dân cũng như đề xuất quận có kinh phí hỗ trợ người dân tạm cư.

“Ngay từ đầu năm, phường đã xây dựng phương án di dời các hộ dân không có điều kiện tự di dời . Tuy nhiên, về lâu dài, để đưa hết người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, phường gặp nhiều khó khăn khi không có quỹ đất. Phường đã báo cáo quận và các sở, ngành liên quan để có phương án hỗ trợ người dân tái định cư, đảm bảo cuộc sống lâu dài”, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng nói.

UBND phường Bạch Đằng cũng đề xuất các cơ quan chức năng trước mắt có thể rải đá hộc ở những điểm có tình trạng sạt lở để chủ động phòng chống; lâu dài là sớm tiếp tục triển khai dự án làm kè đang tạm dừng.

Bà Phạm Thị Bình bên những viên gạch còn lại của ngôi nhà sau khi sạt lở

Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND thành phố cho phép xử lý cấp bách, chống sạt lở với giải pháp kỹ thuật là thả đá hộc chân đê; triển khai dự án xử lý tổng thể kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng khu vực phường Chương Dương (Hoàn Kiếm), phường Thanh Lương và phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng) để bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân trong khu vực. 

Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội đã đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Sở NN&PTNT; giao Sở này khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Sở liên quan và UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức xử lý cấp bách, khắc phục xử lý sạt lở đảm bảo an toàn đê điều theo đúng quy định.

UBND quận Hai Bà Trưng chỉ đạo tổ chức khẩn trương di dời những hộ dân trong khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người, tài sản và đề xuất chính sách hỗ trợ thiệt hại, báo cáo UBND thành phố theo quy định…