“Bỗng chiều nay cả Hà Nội lặng im...”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2010, tôi viết truyện ngắn “Mặt trời ở lại” (*) như một duyên định. Đề tài về công an, nhất là Công an Thủ đô thì nhiều, nhưng trong tôi cứ mãi ấn tượng về hình ảnh người lính cứu hỏa...

Mỗi câu chuyện, một cuộc đời

Khi một đám cháy xảy ra, hầu hết mọi người đều phải di tản, chạy ra khỏi nơi nguy hiểm. Tuy nhiên, lính cứu hoả lại chạy vào nơi nguy hiểm để cứu người, cứu tài sản

Khi một đám cháy xảy ra, hầu hết mọi người đều phải di tản, chạy ra khỏi nơi nguy hiểm. Tuy nhiên, lính cứu hoả lại chạy vào nơi nguy hiểm để cứu người, cứu tài sản

Đêm 20-5-2010, tôi khi đó như có sự dẫn dắt, đã gần nửa đêm, ý tưởng chợt nảy trong đầu. Và tôi viết liền một mạch cho đến lúc tờ mờ sáng, kịp hoàn thành để gửi đi tham gia cuộc thi trước ngày 31-5. Đã có nhiều cuộc điện thoại gọi cho tôi để chia sẻ ý nghĩ của họ về truyện ngắn này, trong đó có một cuộc gọi đặc biệt mà tôi còn nhớ mãi. Đó là cuộc gọi của người vợ một vị chỉ huy đơn vị phòng cháy, chữa cháy của Công an Thủ đô. Chị nói rằng, đọc truyện “Mặt trời ở lại” chị đã khóc nhiều, thương cho những anh em đã hy sinh. Mà nhà văn viết sao lại giống cuộc sống thực của anh chị hồi mới lấy nhau thế. Tôi liền trả lời: “Không giống đâu chị, em hình dung ra thôi… Mà em cũng vừa viết vừa khóc, dù là sáng tác”. Nhân vật của tôi đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tôi không muốn bất cứ ai giống như vậy, dù đó là hình ảnh anh hùng, là người lính anh hùng trong thời bình. Với tôi, người lính cứu hỏa nói riêng và người chiến sỹ Công an nhân dân nói chung đều có cuộc sống riêng vô cùng phong phú. Như bất cứ ngành nghề nào khác, họ vui vẻ, hấp dẫn, họ cũng có những tính cách đặc thù riêng, bí ẩn và lôi cuốn…

Khi tôi sang Mỹ năm 2002, thời điểm sau khi xảy ra vụ tấn công tòa tháp đôi ngày 11-9, chúng tôi được phía bạn đưa đến tham quan cảnh đổ nát tiêu điều. Phía bên ngoài là hàng hàng lớp lớp những bông hoa tươi đủ các màu đã khô, những bức ảnh và những lá thư tưởng niệm những người đã ra đi… Hơn 300 bức tượng lính cứu hỏa được dựng ngay ngoài hố đen sâu thẳm đã chôn vùi bao sinh mạng, bao ước mơ hạnh phúc. Những người lính cứu hỏa đã lao vào lửa để cứu rất nhiều người. Và họ đã hy sinh trong lửa, trong sự đổ sập kinh hoàng. Không ai có thể bình thản trước cảnh tượng đó. Hình ảnh những bức tượng lính cứu hỏa và hố đen khổng lồ ngổn ngang ấy đậm sâu trong tâm trí tôi - một nhà văn Việt Nam. Năm 2019, tôi viết tiếp truyện ngắn “Lính cứu hỏa”, kể về sự dũng cảm và cuộc sống tiếp nối của người chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy.

Đã có rất nhiều vụ cháy do sơ ý nhỏ. Chỉ một ngọn lửa rất mảnh, rất không đáng lưu tâm trong bao nhiêu sự việc hàng ngày mà con người cần lưu tâm. Lần nào cũng vậy, khi sự cố xảy ra, người ta cũng đều giật mình nhắc nhau: “Hãy cẩn trọng với lửa”. Bởi lửa rất gần, rất cần với con người trong cuộc sống thường ngày, nhưng cũng là mối đe dọa thường nhật, thế mà người ta vẫn mất cảnh giác.

Mặt trời của bố, con ở lại với mẹ nhé!

Tôi nhớ những bộ phim xưa, vào giờ nhập nhoạng hay có một người lính tuần đi gõ mõ khắp phố để cảnh báo: “Cẩn thận củi lửa”. Có lẽ, nếu người ta cẩn thận hơn thì bà mẹ ấy sẽ không mất đi đứa con trai hiếu thuận, người vợ ấy sẽ chẳng mất chồng là điểm tựa vững chãi… Sáng sáng, anh vẫn sẽ đẩy xe hàng ra ngõ cho mẹ rồi mới đi làm, cái con ngõ nhỏ của phố Pháo Đài Láng mà ai cũng nhớ một người mẹ vui vẻ hàng ngày. Giờ đây, bà mẹ sẽ sống ra sao? Và người vợ ngất lên ngất xuống khi nghe tin chồng đã hy sinh sẽ tiếp tục thế nào? Những đứa con thơ nay phải tự đứng một mình, hệt như cậu bé trong truyện “Mặt trời ở lại” của tôi năm nào… Anh là Thượng tá, Đội trưởng Đặng Anh Quân (SN 1977). Anh tham gia huấn luyện chiến sĩ nghĩa vụ vào tháng 3-1997 tại đơn vị đặc nhiệm Công an nhân dân. Hơn 20 năm công tác, anh được đồng đội và cấp trên tín nhiệm, trải qua nhiều vị trí chủ chốt trong đội. Tháng 1-2022, anh đảm nhận vai trò Đội trưởng Cảnh sát PCCC và CNCH của CAQ Cầu Giấy.

Chỉ cần cẩn trọng một chút thôi, những que hàn kia sẽ không làm bắn ra những tia lửa quái ác, người lính mới 24 tuổi ấy sẽ còn cứu được nhiều người, nhiều vật nuôi, nhiều thứ quý giá trên đời. Thượng úy Đỗ Đức Việt (SN 1998) cũng có cha là công an nên mơ ước lớn lên sẽ nối nghiệp cha. Anh còn hứa hè năm sau đưa bà ngoại đi SaPa hay du lịch ở đâu đó. Rồi bà sẽ đợi dự đám cưới của cháu trai, nhưng bây giờ đám cưới ấy vĩnh viễn không còn nữa…

Và còn Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc - người lính hy sinh khi còn quá trẻ. Chưa mấy ai biết gì về chiến sỹ này. Ai là người thương? Ai là bạn hữu tuổi trẻ? Sau khi tham gia giúp đỡ được gần chục nạn nhân sơ tán ra ngoài, nếu sợ, có lẽ anh chẳng xông vào nơi chốn ấy lần nữa. Chàng trai sinh năm 2003 trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mất sớm nên anh sống cùng mẹ. Hàng xóm của gia đình Phúc ở khu tập thể Nghĩa Tân cho biết, họ vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót vì ai cũng hiểu Phúc thương mẹ và rất có hiếu. Ngay trong sáng 1-8, Phúc cùng đồng đội đã giải cứu thành công 2 người dân tại đám cháy trên phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy). Và chiều hôm đó, anh tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ… Ai đó viết những dòng xót xa:

“Tháng tám vừa sang thu về gõ cửa

Thấp thoáng phố dài lá vàng bay trong gió

Bỗng chiều nay cả Hà Nội lặng im

Qua tin báo ngờ đâu là sự thật

Ba người lính cứu hỏa hy sinh

Ngăn biển lửa bủa vây giăng lối…”.

Tôi cứ những mong họ không ra đi như vậy, nhưng câu chuyện xót xa mà chúng ta đang phải đối diện là có thật. Họ còn quá trẻ, còn bao nhiêu dự định trên cõi đời này. Họ như những ánh sao trên bầu trời, những ngôi sao mà không ngọn lửa nào có thể thiêu rụi. Hay họ chính là những thiên thần mà chúng ta đã từng có, đã từng được hưởng sự chăm lo, bảo vệ của họ? Cuộc sống vẫn tiếp nối, nhưng dường như những ngôi sao xanh trên bầu trời kia luôn nhắc nhở cho chúng ta, cuộc sống này không cần phải có những hy sinh mất mát thêm nữa. Tôi cứ mong, một niềm mong mỏi kiệt cùng rằng, sẽ không còn cậu bé nào phải trở thành người lớn khi mới 9 tuổi như cậu bé trong truyện “Mặt trời ở lại” của tôi: “Khi bố cháu tan chảy, cháu nghe tiếng bố gọi và bảo: “Mặt trời của bố, con ở lại với mẹ nhé!”. Cháu ở lại và cháu biết mình phải làm thay bố mọi việc”.

(Viết tại Huế, kính dâng những anh hùng cứu hỏa linh thiêng)

(*) Truyện ngắn đoạt Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn viết về hình ảnh Người chiến sĩ công an Thủ đô năm 2010 CATP Hà Nội và Báo An ninh Thủ đổ phối hợp tổ chức