‘Bồng bềnh’ chốt chặn 100 cây số tuyến đường huyết mạch Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trung tá Đỗ Trọng Tuân ví công việc hàng ngày, hàng đêm của anh cùng đồng đội như… chiếc phao; bồng bềnh, bồng bềnh nhưng hết sức bền bỉ, dẻo dai trên sóng nước sông Hồng.

Phòng CSGT CATP Hà Nội có một lực lượng khá đặc biệt, là Cảnh sát đường thủy, gồm 2 Đội số 1 và số 2. Tổng quân số hai Đội không quá 100, nhưng phải đảm trách nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự hàng trăm km mặt nước và bờ, vở, bến bãi 3 tuyến sông lớn: Đà, Hồng, Đuống. “Lặng lẽ, nhưng giống đồng đội, lực lượng khác, lính đường thủy có đặc thù, có vất vả riêng, thậm chí hiểm nguy và cả hy sinh. Như con nước sông Hồng, sông Đuống, biết bao luồng, xoáy dưới bề mặt bình yên”, Trung tá Đỗ Trọng Tuân - Đội trưởng đội Cảnh sát đường thủy số 2 chia sẻ.

Đội CS đường thủy số 2 kiểm tra phương tiện hút cát trái phép bị phát hiện hôm 22-2 vừa qua

Đội CS đường thủy số 2 kiểm tra phương tiện hút cát trái phép bị phát hiện hôm 22-2 vừa qua

Hẹn gặp những người đồng chí, đồng đội của mình đúng thời điểm miền Bắc và Hà Nội nhiệt độ báo xấp xỉ 10, để tìm hiểu câu chuyện…lính đường thủy thực hiện nhiệm vụ trong giá rét thế nào. Nhưng, Trung tá Tuân…khất! Rồi sau mới biết, hôm chúng tôi gọi điện cũng là thời điểm Đội đường thủy số 2 đang phối hợp cùng Phòng 10 – Cục CSGT (Bộ Công an) xây dựng, triển khai kế hoạch “đánh” điểm khai thác cát trái phép khu vực giáp ranh giữa Hà Nội với Hưng Yên.

Xuýt xoát 100 km đường sông mà Đội 2 phụ trách, địa bàn Hà Nội không địa điểm nào được cấp phép khai thác mỏ. Thế nên, cứ có phương tiện thủy và vòi, gầu, máy nổ cố định hoạt động, đích thị là “cát tặc”. Rõ là vậy nhưng bao nhiêu năm nay, “cuộc chiến” – chữ của Đại tá Dương Đức Hải – Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội, chống “cát tặc”, bớt gian nan. Xoay quanh hai chữ “lợi nhuận” mà các đối tượng khai thác cát tìm mọi phương thức, thủ đoạn hoạt động. Nhiều chuyên án được triệt phá cho thấy, những toan tính, đối phó của “cát tặc” không thua tội phạm chuyên nghiệp. Có cảnh giới, có ngụy trang, có dây chuyên hút cát – tiêu thụ khép kín. Hay đơn giản nhất, những lúc cao điểm, mọi động tĩnh công khai của lính đường thủy đều bị “ai đó” để ý!

Sắc vàng bình yên trên những tuyến sông lớn qua địa bàn Thủ đô

Sắc vàng bình yên trên những tuyến sông lớn qua địa bàn Thủ đô

Trở lại lời hẹn những ngày cuối tháng 2, Hà Nội “siêu” rét, với Trung tá Tuân. Và anh cùng đồng đội đã lý giải với chúng tôi nguyên nhân “khất”, là kết quả, sau nhiều đêm trắng buốt giá, bắt giữ thành công 2 phương tiện thủy đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng, địa phận giáp ranh xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) với Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) và Liên Nghĩa (Văn Giang, Hưng Yên).

Trên phương tiện thủy mang số hiệu HN-1709 với 4 người quản lý, điều khiển, lực lượng chức năng xác định có khoảng 50m3 cả cát và nước trong khoang chứa hàng. Còn ở phương tiện thủy số đăng ký HN-1168 với 5 người điều khiển làm việc, lực lượng chức năng xác định trong khoang chứa hàng có khoảng 380 m3 bao gồm cả cát và nước.

Các cá nhân trên không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản, giấy tờ phương tiện và bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn…và thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép.

Phòng, chống, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép đã và đang là nhiệm vụ trọng tâm được Đội Cảnh sát đường thủy số 2 nói riêng quyết liệt thực hiện, theo Kế hoạch số 226/KH-PC08-TM ngày 20-12-2019 của Phòng CSGT CATP Hà Nội, về tăng cường phòng ngừa, xử lý vi phạm pháo luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản và bảo vệ đê điều trên địa bàn TP. Hà Nội.

Ngoài trận đánh hồi cuối tháng 2, trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đội Đường thủy số 2 trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 2 vụ khai thác cát trái phép ở địa bàn quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Đặc biệt, Đội 2 phối hợp với Công an huyện Phú Xuyên, Công an phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) và Công an phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), phát hiện 4 vụ - 5 đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy; phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra 4 phương tiện nghi vấn có biểu hiện hoạt động đánh bạc trên sông…

Đảm bảo an ninh trật tự trên sông, nhiệm vụ ấy của lính đường thủy không dừng ở ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép, hay các dấu hiệu của tội phạm, vi phạm hình sự. Xuýt xoát 100 km đường sông mà Đội đường thủy số 2 phụ trách, hai bên bờ chạy qua nhiều địa giới quận, huyện, phường, xã; rồi tàu thuyền từ các địa phương khác về Hà Nội…sự an toàn, việc tham gia giao thông đảm bảo đúng quy định pháp luật của mỗi công dân, cũng thuộc trách nhiệm của lính đường thủy.

Có một công việc mà lâu nay Đội đường thủy số 2 làm đều đặn, trách nhiệm, hiệu quả, là hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông đường thủy cho đội ngũ thuyền chài và nhiều cộng đồng dân cư dọc các tuyến sông. Trung tá Tuân tâm sự, lính đường thủy nhiều người ít nói, vậy mà khi trao đổi với ngư dân, với bà con vùng bãi, câu chữ - thông điệp để người dân hiểu, chấp hành quy định pháp luật an toàn giao thông, cứ…tuôn như nước. Những buổi nói chuyện, phổ biến kiến thức pháp luật của lính đường thủy bao giờ cũng “hút” đông bà con vạn chài, bởi nó được chặt lọc từ kinh nghiệm, nhiệt huyết và tấm lòng của chiến sỹ Công an với người dân.

Bền bỉ tuyên truyền và quyết liệt trong công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử lý. Riêng trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán vừa qua, với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát đường thủy, Đội 2 đã lập biên bản xử lý 584 trường hợp vi phạm quy định an toàn đường thủy; phạt hành chính số tiền gần 240 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần về số vụ và số tiền xử phạt so với cùng kỳ 2021. Trong đó, những lỗi vi phạm là nguyên nhân, tiềm ẩn dẫn đến tai nạn đều bị xử lý nghiêm, như chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước; không mặc áo phao cứu sinh; không bố trí đủ số lượng đệm chống va; neo đậu sai quy định…

Giờ đang là thời điểm hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy bắt đầu tấp nập hoạt động trở lại. “Bình thường mới” là trạng thái đang từng bước ghi nhận ở các tuyến sông Hồng, Đuống, Đà. Điều đó đồng nghĩa với việc, áp lực công việc cũng gia tăng với những người lính đường thủy. Nhưng đúng như Trung tá Tuân chia sẻ, càng áp lực thì quyết tâm của lính đường thủy càng lớn. Bởi trong nhận thức và trách nhiệm của những “chiếc phao bồng bềnh” ấy, lớn hơn hết là sự bình yên trên các tuyến sông, sự an toàn của người dân…