Bốn hãng hàng không ra đời trong một năm: Náo nhiệt "cuộc đua" nghìn tỷ trên trời

ANTD.VN - Năm 2019 sẽ là năm đánh dấu kỷ lục của ngành hàng không Việt Nam khi chỉ chưa tới một năm nhưng đã có đến 4 hãng hàng không dồn dập ra đời.

Nhiều ẩn số chưa thể dự báo, liệu có thực sự cất cánh hay việc thành lập hãng hàng không cũng chỉ là một trong những toan tính của các đại gia trong bài toán kinh tế?

Thị phần hàng không sẽ biến động

Đến thời điểm hiện tại, có đến 4 hãng hàng không của tư nhân đang xếp hàng chờ được cơ quan chức năng phê chuẩn cho bay. Thị trường hàng không náo nhiệt hơn bao giờ hết khi có tới 9 hãng hàng không cùng tham gia.

Tháng 7 vừa qua, Vietstar Airlines đã chính thức gia nhập thị trường hàng không khi được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ nhận khai thác máy bay (AOC).

Theo đó, Vietstar sẽ được khai thác thương mại với dòng máy bay phản lực Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300.

Thị trường hàng không Việt Nam hứa hẹn đầy sôi động khi đang có 4 tân binh tham gia trong năm 2019

Ba tân binh khác là Vinpearl Air, Vietravel Airlines và KiteAir đang hoàn tất các thủ tục thành lập hãng và hứa hẹn sẽ sớm ra mắt trong thời gian ngắn sắp tới. Tới nay, Cục Hàng không Việt Nam đã thẩm định, ủng hộ các điểm chính trong dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của Tập đoàn Vingroup cũng như Vietravel Air của Công ty CP du lịch và tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel), đồng thời đã báo cáo 2 dự án trên lên Bộ GTVT.

Công ty CP hàng không Thiên Minh cũng đã gửi hồ sơ lên Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam đề xuất thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Thiên Minh Group cũng đang sở hữu Công ty CP hàng không Hải Âu kinh doanh hàng không chung với 4 thủy phi cơ cỡ nhỏ.

Chiếc bánh “hàng không” chắc chắn sẽ được phân chia lại nhưng chia như thế nào thì vẫn còn là một ẩn số. Bởi vài năm trở lại đây, thị phần hàng không Việt liên tiếp biến động.

Ước tính sơ bộ, đến tháng 6, thị phần của Vietnam Airlines và 2 công ty con (Jetstar Pacific và Vasco) khoảng 51%, Vietjet khoảng 41,3% (tỷ lệ này năm 2018 lần lượt là 56% và 44%), tân binh Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC đạt khoảng 7%.

Nhưng, thị trường hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục được dự báo có tốc độ phát triển nhanh, mạnh trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Các hãng hàng không nội địa liên tục báo lãi lớn qua các năm.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2018, toàn thị trường khai thác 296.516 chuyến bay, tăng tới 9% so với năm 2017. 6 tháng đầu năm nay, tổng số chuyến bay là 153.559 chuyến, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về doanh thu, trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt hơn 51.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.650 tỷ đồng, vượt 30% so với kế hoạch. Với Vietjet, theo công bố doanh thu hợp nhất 6 tháng đạt 26.301 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.398 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Còn tân binh Bamboo Airways dù mới cất cánh vào đầu năm 2019 nhưng số liệu vừa công bố cho thấy, doanh thu quý 2/2019 của hãng tăng mạnh, đạt 1.115 tỷ đồng, tăng tới hơn 242% so với quý 1.

Cuộc đua về giá vé và chất lượng

Việc thị trường có nhiều hãng hàng không cùng tham gia sẽ tăng tính cạnh tranh và người tiêu dùng sẽ được lợi về giá cả, về khuyến mại và chất lượng. Cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không thời gian tới chắc chắn sẽ đầy gay gắt, thậm chí là một cuộc đua tương đối khốc liệt về cả giá cả và chất lượng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ, tính tỷ lệ số người dân đi máy bay/1.000 dân của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khá thấp. Do vậy, thị trường hàng không vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, để cho các tân binh nhảy vào khai thác.

“Một thị trường có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp sản phẩm thì sẽ chia nhiều phân khúc, hành khách có nhiều lựa chọn hơn”- chuyên gia Lê Đăng Doanh cho hay.

Tuy vậy, cũng chuyên gia này cho rằng, về vấn đề điểm nghẽn hạ tầng, nhân lực để đảm bảo an toàn, an ninh hàng không cũng cần được tháo gỡ kịp thời, để hạ tầng không là bước cản đối với thị trường hàng không.

“Cục Hàng không Việt Nam với vai trò là nhà quản lý trực tiếp cần tăng cường giám sát, đảm bảo các quy trình được vận hành chặt chẽ, không để các sự cố hàng không xảy ra nhiều, gây mất an toàn - an ninh hàng không” - chuyên gia Lê Đăng Doanh cho ý kiến.

Dù vậy, cũng có ý kiến ngờ vực, việc các đại gia ồ ạt xin thành lập hãng hàng không và hứa hẹn bay ngay trong thời gian ngắn cũng có thể là một trong những động thái để tăng vị thế doanh nghiệp, đẩy giá trị cổ phiếu... dù chưa biết kết quả cuối cùng ra sao.