Bốn dự án tầm cỡ trên địa bàn Thủ đô chuẩn bị đi vào hoạt động

ANTĐ - Ngày 4-1-2015, Bộ GTVT sẽ đưa vào sử dụng 4 dự án lớn trên địa bàn Thủ đô, gồm nhà khách VIP A, Nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân.

Bộ GTVT cho biết, đây là những dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (trừ Nhà khách VIP A), các dự án trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng.

Trong đó, dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 được khởi công ngày 4-12-2011 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).

Dự án Nhà khách VIP A – Cảng HKQT Nội Bài do ACV làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng ngày 19-5-2014 với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển của ACV.

Dự án cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư và Bộ GTVT quyết định đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và vốn giải phóng mặt bằng của UBND TP.Hà Nội. Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ Yên Nhật, tương đương 13.626,365 tỷ đồng.

Dự án đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm thủ đô với sân bay Nội Bài, cũng là kết nối tuyến Nhật Tân - Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài. Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến là 12,1 km.

Nhà ga hiện đại nhất cả nước sắp đi vào hoạt động

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, ngay sau khi đưa vào khai thác, tuyến đường Nhật Tân- Nội Bài và cầu Nhật Tân sẽ dành cho tất cả các phương tiện lưu thông, trừ xe tải nặng. Khoảng tháng 6-2015, tuyến đường Vành đai 2 Thủ đô sẽ hoàn thiện, việc kết nối sẽ thuận tiện hơn.

Còn đối với nhà ga T2 Nội Bài, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Tổng giám đốc ACV cho biết, ngoài tính tiện ích tốt nhất thì ACV cũng kỳ vọng sẽ mang lại tính thân thiện, chuyên nghiệp.

Liên quan đến việc thu hồi vốn của các công trình này, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, đối với dự án cầu Nhật Tân và đường Nhật Tân- Nội Bài Bộ GTVT không đặt vấn đề thu hồi vốn. Hai dự án này được xây dựng bằng vốn ODA và đối ứng của Chính phủ, ngân sách Nhà nước sẽ chi trả. Còn, nhà ga T2 dù cũng là vốn ODA nhưng được ACV vay lại và sẽ trả dần thông qua thu phí dịch vụ.

Cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới. Tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XIV diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua, đa số đại biểu cho rằng, đây là cầu có ý nghĩa lịch sử nên quyết định giữ nguyên tên cầu là “Nhật Tân”. Tuy nhiên, để ghi lại mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, trên bảng ghi tên cầu, ngoài tên “Nhật Tân”, còn có thêm tên “Hữu nghị Việt-Nhật” bên dưới. Hiện, Bộ GTVTđã đúc bảng tên cầu bằng đồng và gắn ở hai đầu.