“Bơm” tiền vào đâu?

ANTĐ - Trong buổi gặp mặt báo chí đầu Xuân Nhâm Thìn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 là ổn định thanh khoản hệ thống, khoanh vùng những ngân hàng yếu kém để từng bước tái cấu trúc. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố, song chủ yếu là do các ngân hàng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn quá nhiều, dẫn đến rủi ro kỳ hạn và bất ổn thanh khoản của hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Sau đó vì phòng ngừa rủi ro kỳ hạn, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng đưa tỷ lệ này xuống mức 30%. Song thực tế, nhiều ngân hàng “phớt lờ” yêu cầu này thậm chí có những ngân hàng còn sử dụng tới 100% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Chính sự thiếu nghiêm túc này của một số ngân hàng “đầu têu” đã dẫn đến hệ lụy rủi ro thanh khoản và “lây nhiễm” sang những ngân hàng khác.

Không ít chuyên gia đã “tham mưu” cho NHNN, muốn xử lý vấn đề này nên tiếp tục “bơm” tiền để ổn định thanh khoản. Tuy không hoàn toàn phản bác ý kiến này, nhưng Thống đốc đặt câu hỏi: Bơm như thế nào, liều lượng bao nhiêu? Mục đích bơm là gì và bơm tiền vào đâu? Theo ông, bơm tiền không phải là để che lấp “lỗ hổng” làm ăn thiếu hiệu quả của các ngân hàng. Vấn đề ở đây đâu chỉ đơn giản là… bấm nút bơm tiền. NHNN sẵn sàng cung ứng tiền để ổn định hệ thống, nhưng dòng tiền này phải thực sự được “rót” vào sản xuất kinh doanh đang khát vốn.

Hơn thế việc bơm tiền không phải như… bơm nước xả lũ, phải gắn chặt với kiểm soát tín dụng, không để xảy ra tình trạng các ngân hàng sau khi được bơm tiền lại dùng tiền đó để lợi dụng tín dụng bừa bãi. Bằng chứng nóng hổi là năm ngoái, mặc dù tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng trưởng khoảng 13%, nhưng GDP đạt gần 6%, hệ số biểu thị quan hệ giữa GDP và tín dụng là 1-2. Điều này chứng tỏ, không hẳn cứ tăng tín dụng tức là tăng GDP, nếu không kiểm soát chặt tín dụng. Rõ ràng, vấn đề ổn định thanh khoản hệ thống phải nằm trong cái “lõi” là tái cấu trúc hệ thống, chứ không thể giải quyết xong thanh khoản rồi lại để cho các ngân hàng tiếp tục làm ăn kém hiệu quả và đẩy tất cả rủi ro cho Nhà nước và doanh nghiệp hứng chịu.

Trước câu hỏi của báo chí về vấn đề bỏ trần lãi suất tiền gửi, Thống đốc Ngân hàng nhấn mạnh, điều hành lãi suất là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bởi vì nó liên quan tới nhiều vấn đề như kiểm soát lạm phát, giảm bớt nhu cầu tiền, ổn định thanh khoản hệ thống, chứ không phải muốn giảm là được. Hiện nay, mặc dù diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tương đối thuận lợi, song nhu cầu vốn của hệ thống vẫn rất lớn. Giả dụ thực hiện tự do hóa lãi suất ngay trong quý I này, thì đầu vào của các doanh nghiệp tiếp tục gánh thêm áp lực, chi phí vốn. Bởi thế, chỉ khi nào hội đủ các điều kiện như thanh khoản ổn định, quản trị rủi ro hệ thống tốt, lạm phát ở mức thấp thì mới tính đến chuyện bỏ trần lãi suất tiền gửi. Điều này chưa thể xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2012.

Dự tính của NHNN trong năm 2012, nhập siêu sẽ được kiểm soát ở mức thấp do Chính phủ tiếp tục chính sách giảm tổng cầu; xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn; các khoản nợ của Chính phủ ở mức an toàn thì tỷ giá không phải là chuyện lớn trong năm nay. Tuy nhiên, dự tính trên phải loại trừ những yếu tố bất ổn khách quan như giá vàng, dầu thô trên thế giới. Vì thế, việc bơm tiền không phải chỉ để ổn định thanh khoản, mà phải “rót” dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh.