“Bơm” tiền cũng chưa xong

ANTĐ - Trong buổi giao lưu trực tuyến giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia tài chính Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ và giới doanh nghiệp cũng cho rằng, yêu cầu vốn nhiều và rẻ đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm. Đã qua 5 lần giảm lãi suất vay, nhưng tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm vẫn thấp. Nguyên nhân là doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận vốn, các tổ chức tín dụng lại dựng hàng rào kỹ thuật quá cao, khó vượt.

Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cần phải giảm nhanh hơn nữa, thậm chí ở mức 8-10%/năm so với mức lãi suất vay mới 11-13%/năm hiện nay. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách và tiếp tục đề nghị các tổ chức tín dụng rà soát từng khoản vay để giảm lãi suất, góp phần phá thế “đóng băng” tín dụng. Dư địa duy nhất để ngân hàng điều hành giảm lãi suất là so với lãi suất huy động VND 11%/năm, thì chênh lệch lãi suất huy động giữa VND và USD chỉ còn 2%/năm. Song, chỉ số lạm phát của nước ta lại phụ thuộc rất nhiều vào cơ cấu hàng hóa, lương thực, thực phẩm (ước tính chiếm 40% rổ hàng hóa tính lạm phát). 
Vì thế, theo một thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, nếu “đánh tụt” lãi suất xuống sâu hơn nữa, tổ chức, cá nhân sẽ dịch chuyển tài sản từ VND sang USD, rất dễ gây ra những tác động xấu đột biến lên ổn định kinh tế vĩ mô và làm “tổn thương” hoạt động hệ thống ngân hàng. Trước áp lực khó khăn đè lên “vai gầy” của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã cử 12 đoàn công tác cùng 6 Phó Thống đốc dẫn đầu xuống các vùng kinh tế trọng điểm, trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp, tìm cách khơi thông để “bơm” dòng vốn cho doanh nghiệp. Các đoàn công tác được coi là cây cầu nối ngân hàng với doanh nghiệp nhằm rà soát từng khoản vay, thực hiện giãn, hoãn, cơ cấu lại lãi suất và thời hạn trả nợ.

Câu hỏi được đặt ra là tiếp cận vốn cho những đối tượng nào? Làm cách nào để vốn ngân hàng đi vào sản xuất, thay vì để giải tỏa cho khối tài sản bất động sản và chứng khoán đầu cơ, tránh “châm ngòi” cho lạm phát bùng phát trở lại? Giới tài chính ước lượng tồn kho bất động sản, xây dựng tối thiểu gấp đôi nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tức khoảng 400.000 tỷ đồng, tương đương 19,2 tỷ USD. Tuy nhiên, con số thực còn cao hơn, những doanh nghiệp bất động sản lớn, nhất là các tổng công ty, tập đoàn nhà nước vẫn chưa niêm yết.
Động thái giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15% của ngân hàng mang tính chia sẻ khó khăn, gián tiếp làm giảm giá thành hàng tồn, chừng mực nào đó giúp doanh nghiệp hạ nhanh giá bán. Khi sức mua èo uột kích cầu tiêu dùng là cần thiết, nhưng không có nghĩa là cứ “bơm” tiền ra là xong. Rót vốn cho doanh nghiệp là cấp bách, song điều quan trọng là rót cho ai và rót như thế nào. Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp lớn thua lỗ có nguy cơ phá sản là quá lạm dụng vốn vay ngân hàng, lạm dụng đòn bẩy tài chính và chạy theo lợi nhuận.