"Bom tấn" mang tên "Hồ sơ Panama"

ANTĐ - Vụ rò rỉ hồ sơ mật của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama chẳng khác nào quả “bom tấn” phát nổ làm rung chuyển chính trường nhiều quốc gia trên thế giới khi có tài liệu cho thấy, nhiều nhà lãnh đạo, người nổi tiếng dính líu tới nghi án rửa tiền, trốn thuế.

"Bom tấn" mang tên "Hồ sơ Panama" ảnh 1

Biểu tình ở Icreland đòi Thủ tướng Gunnlaugsso từ chức
Ngày 4-4, Văn phòng Công tố Panama thông báo đã mở cuộc điều tra liên quan đến các thông tin về hành vi rửa tiền và trốn thuế của hàng loạt chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng được tiết lộ trong “Hồ sơ Panama” - vụ rò rỉ tài liệu mật đang gây chấn động thế giới. Mục đích của cuộc điều tra được tuyên bố là “không khoan dung cho các hoạt động trái pháp luật và tài chính không minh bạch” này nhằm xác minh các hình thức phạm tội, những đối tượng liên quan cũng như những thiệt hại tài chính tiềm tàng.

Quả “bom tấn” “Hồ sơ Panama” phát nổ ngày 3-4 khi nhật báo “Sueddeutsche Zeitung” (SZ) của Đức bất ngờ công bố nhiều tài liệu mật, trong đó đề cập tới hoạt động tài chính của một loạt nhân vật giàu có và có thế lực trên thế giới, cụ thể là hành vi được cho là trốn thuế với sự trợ giúp của Công ty luật Mossack Fonseca.

Đây là kết quả phân tích số liệu, điều tra của SZ cùng Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) và hơn 100 tổ chức truyền thông tại 78 nước sau khi được một nguồn tin nặc danh cung cấp cho báo SZ hơn 11,5 triệu tài liệu nội bộ (gồm email, tài khoản ngân hàng, thông tin về khách hàng…) của Công ty Luật Mossack Fonseca có trụ sở Panama.

Giám đốc ICIJ Gerard Ryle cho biết, số tài liệu khổng lồ trên được gọi là “Hồ sơ Panama” (Panama Papers) đề cập đến hoạt động mỗi ngày của Công ty Mossack Fonseca từ khi ra đời năm 1977 đến tháng 12-2015. Mossack Fonseca, hiện có hơn 500 nhân viên tại hơn 40 văn phòng khắp thế giới, chuyên hoạt động trong lĩnh vực quản lý vốn, tài sản và giúp khách hàng lập công ty bình phong (đặt ở nước ngoài, thường liên quan đến các thiên đường trốn thuế). 

Sự xuất hiện của “Hồ sơ Panama” giúp phá tan bức màn bí mật về hoạt động thật sự của Mossack Fonseca. Theo đó, công ty này đã giúp khách hàng rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt và trốn thuế với nhiều thủ đoạn, song phổ biến nhất là thông qua công ty bình phong để tiến hành những giao dịch trái phép nhằm che giấu danh tính thật sự của chủ sở hữu các công ty bình phong. Hơn 214.000 công ty bình phong tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ được nhắc đến trong “Hồ sơ Panama” đã cho thấy quy mô khủng khiếp của những hoạt động mờ ám bị cáo buộc.

Trong số khách hàng của công ty Mossack Fonseca có ít nhất 200 chính trị gia, các nhân vật nổi tiếng, các ngôi sao thể thao, trùm ma túy, 350 ngân hàng lớn và hàng trăm nghìn công dân khắp thế giới… Trong danh sách khách hàng của Mossack Fonseca có thấy tên Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak... 

Cho dù các cá nhân bị nêu tên trong “Hồ sơ Panama” đều đã lên tiếng phủ nhận và có ý kiến cho rằng đây là một âm mưu chính trị, song Tổng thống Panama Juan Carlos Valera ngày 4-4 khẳng định nước này sẽ hợp tác với Chính phủ các nước trên thế giới trong quá trình điều tra vụ bê bối chấn động này. Chính phủ nhiều quốc gia cũng đã yêu cầu được cung cấp bản sao dữ liệu rò rỉ về danh sách khách hàng được Công ty luật Mossack Fonseca giúp trốn thuế để kiểm tra thông tin và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ trường hợp trốn thuế nào.  

Biểu tình quy mô lớn đòi Thủ tướng Iceland từ chức

Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại Iceland yêu cầu Thủ tướng nước này Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức sau khi “Hồ sơ Panama” quy kết ông này có mối quan hệ với một công ty nước ngoài - nơi ông bị cáo buộc có tài sản nhưng không khai báo. 


Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung chật kín bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Reykjavik tối 4-4, trong khi nghị sĩ đảng đối lập kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông Gunnlaugsson. 

Những người chỉ trích cho rằng “Hồ sơ Panama” làm tiêu tan niềm tin của dân chúng vào ông Gunnlaugsson và có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của nước này trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ông Gunnlaugsson tuyên bố sẽ không từ chức.