"Bom" hàng đi chợ hộ trong thời điểm dịch bệnh sẽ bị phạt nặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, CATP. HCM đã làm việc với 200 trường hợp đặt mua hộ hàng, nhưng không nhận với nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo nhiều người dân, việc “bom” hàng đi chợ không chỉ thể hiện sự vô ơn, nhẫn tâm của một số cá nhân mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, cần bị xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe.

“Bom” hàng đi chợ hộ là sự vô ơn và nhẫn tâm

Được biết, CATP. HCM đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện điều tra, làm rõ hành vi "bom" hàng, hủy đơn hàng khi đặt hàng đi chợ hộ trong thời gian qua, làm việc với shipper và các đơn vị có liên quan...

Kết quả cho thấy, tại các quận huyện và TP Thủ Đức có tình trạng đặt hàng nhưng không nhận hàng.

Nguyên nhân chính của việc đặt, nhưng không mua hàng là do một số người dân không rành công nghệ nên khi thao tác đặt hàng thì trùng đơn, nhưng không biết cách hủy.

Bên cạnh đó, do địa chỉ giao hàng không chính xác, nên bộ phận giao hàng không tìm được hoặc có trường hợp người dân đã hủy đơn hàng, nhưng hệ thống không cập nhật, vẫn giao hàng.

Ngoài ra, cũng có trường hợp đơn hàng quá lâu, giao không đúng thời hạn, người dân đã lựa chọn kênh phân phối khác để mua, hoặc do không cung cấp đúng mặt hàng đã đặt, hoặc giao nhầm đơn hàng nên người dân từ chối nhận...

Lực lượng chức năng đi chợ hộ người dân

Lực lượng chức năng đi chợ hộ người dân

Cũng liên quan đến tình trạng trên, trước đó Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, có chế tài xử lý nghiêm hành vi hủy đơn hàng "đi chợ hộ", gây khó khăn cho bộ đội, tình nguyện viên, làm dư luận nhân dân bức xúc.

Về hành vi “bom” hàng đi chợ hộ, ở khía cạnh đạo đức, nhiều người dân tỏ ra vô cùng phẫn nộ đối với hành động này vì cho rằng, để thực hiện hiệu quả việc giãn cách xã hội, các tổ, nhóm, hội cùng quân đội đã “đi chợ hộ” bà con trong mùa dịch.

Việc làm đầy tình nghĩa đó trong giai đoạn này thể hiện nỗ lực rất lớn của các tổ chức, cá nhân, hành động vô cùng kịp thời và cần thiết để hạn chế số người ra đường, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tuy vậy, hàng trăm đơn hàng do các tình nguyện viên, các chiến sĩ bộ đội “đi chợ hộ” đã bị “bom” hàng.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là “đặt thử xem có mua hộ thật không”. Điều này là không thể chấp nhận được.

Bởi những người “đi chợ hộ” đã bất chấp hiểm nguy, lao vào tâm dịch để giúp đỡ đồng loại song họ lại bị đùa giỡn, bỡn cợt. “Cuộc chiến” chống Covid-19 không phải trò đùa và bất cứ ai có hành vi tương tự với những chiến sỹ trong cuộc chiến ấy đều là những kẻ vô ơn, nhẫn tâm.

Cần phạt nặng để làm gương

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi “bom” hàng đi chợ hộ có thể bị xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để xử lý "đúng người, đúng tội", cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân.

Nếu do các nguyên nhân khách quan như hỏng điện thoại, do tắt máy, hay họ đã nhập viện cấp cứu hoặc không thành thạo về công nghệ…, thì có thể thông cảm và lực lượng chức năng sẽ tìm giải pháp để hỗ trợ.

Còn với trường hợp người dân sau khi đặt hàng mà cố tình không nhận hàng với lý do không chính đáng, nhằm gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan chức năng, sau khi đặt hàng rồi thì tắt máy, khóa máy, trốn tránh việc liên hệ làm việc với lực lượng chức năng…, thì cần xử lý nghiêm theo quy định.

Về xử lý hành chính, Luật sư Thu cho biết, hành vi không có nhu cầu thực phẩm nhưng lại cố tình đặt hàng, rồi không nhận có thể coi là hành vi đưa tin sai sự thật, sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Ngoài ra, đây còn là hành vi không chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh, có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng theo khoản 2, Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, hành vi cố tình không nhận hàng còn có thể được coi là hành vi cản trở lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ, công vụ nên có thể được xác định là hành vi chống người thi hành công vụ.

Tùy vào tính chất, mức độ, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 BLHS 2015 nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm - Luật sư Thu nhấn mạnh.