Boeing - Airbus giành giật thị trường Trung Quốc

ANTD.VN - Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 11 tại thành phố Chu Hải, Trung Quốc, một lần nữa cho thấy sự quyết liệt trong cuộc chiến giành giật thị trường hàng không Trung Quốc giữa hai tập đoàn chế tạo máy bay lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus.

Boeing - Airbus giành giật thị trường Trung Quốc ảnh 1Sự bùng nổ của thị trường hàng không Trung Quốc tạo ra cuộc đua giữa Boeing va Airbus

Một báo cáo của ngân hàng quốc tế Goldman Sachs với tựa đề “Cuộc bùng nổ du khách Trung Quốc” cho biết, hiện mới chỉ có 4% công dân Trung Quốc có hộ chiếu, nhưng đến cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21, số người Trung Quốc có hộ chiếu sẵn sàng đi du lịch thế giới sẽ vượt qua cột mốc 120 triệu người của năm 2016 và đạt 220 triệu người vào năm 2025. 

Hiện nay, các tuyến bay giữa Trung Quốc và các thị trường Mỹ, châu Âu và châu Á được xếp vào nhóm những tuyến phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm lần lượt đạt 6,8%, 5,3% và 6,7%. Trong giai đoạn 2015-2035, vận tải hàng không quốc tế hai chiều của Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 6,7% mỗi năm. Với dân số hơn 1,3 tỷ người ngày càng thích bay nên trong 2 thập niên tới, Trung Quốc sẽ chi hơn 1 nghìn  tỷ USD mua máy bay mới. 

Trong “Dự báo thị trường toàn cầu 2016-2035”, Airbus cho biết các hãng hàng không Trung Quốc sẽ cần khoảng 6.000 chiếc máy bay mới với tổng trị giá lên tới 945 tỷ USD trong 2 thập kỷ tới. Boeing còn đưa ra dự báo khả quan hơn khi cho rằng thị trường Trung Quốc sẽ cần đến 6.800 chiếc máy bay với tổng trị giá 1.000 tỷ USD trong cùng thời gian trên. Đáng kể là 70% số máy bay mới dự kiến sẽ được các hãng mua để đáp ứng nhu cầu vận chuyển gia tăng chứ không phải thay thế máy bay cũ.

Đặt đại bản doanh tại Chicago, Mỹ, với số lượng nhân viên vào khoảng 160 nghìn người tại hơn 65 quốc gia, Boeing hiện được coi là hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Trong khi đó, với thành tích bán được tổng cộng trên 16.300 máy bay cho 400 khách hàng trên toàn thế giới, hãng Airbus đóng trụ sở tại Toulouse (Pháp) với 55 nghìn nhân viên ngày càng thách thức vị trí của Boeing.

Những số liệu thống kê cho thấy trong năm 2015, số đơn đặt hàng máy bay của Airbus là 1.036, giảm so với 1.456 đơn của năm 2014, trong khi số đơn đặt hàng máy bay của Boeing là 768, so với 1.432 đơn của năm 2014. Trong năm ngoái, Airbus đã giao cho các khách hàng 635 máy bay, một con số kỷ lục so với 629 máy bay của năm 2014. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với con số 762 máy bay được giao hàng của Boeing.

Trong thế cạnh tranh ngang ngửa như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc trở thành nơi quyết đấu giữa Boeing và Airbus. Để giành lợi thế ở thị trường Trung Quốc, cả Boeing và Airbus đều xây dựng mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Trung Quốc. Airbus có một trung tâm hoàn thiện và giao hàng tại Thiên Tân, nơi công nhân nhà máy sẽ thực hiện việc lắp đặt đồ nội thất và sơn vỏ máy bay cho thị trường nội địa nước này. Ngoài ra, Airbus còn mua các bộ phận máy bay từ các nhà cung ứng Trung Quốc. 

Trong khi đó, Boeing đang lên kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc Commercial Aircraft Corp. (COMAC) để mở một nhà máy thực hiện sơn và lắp đặt buồng lái cho những chiếc máy bay dòng 737. Năm ngoái, Boeing đã gặt hái lớn khi trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ, hãng này đã ký được thỏa thuận cung cấp 300 máy bay cho một nhóm các công ty của Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa thể nói Boeing đã vượt hẳn so với Airbus trên thị trường hàng không Trung Quốc. Cuộc đua này vẫn chưa ngã ngũ.