Bộ Y tế trả lời về việc dừng thanh toán nhiều thuốc BHYT khiến bệnh nhân lao đao

ANTD.VN -Như ANTĐ đã phản ánh, từ đầu tháng 4 này, một số bệnh viện đột ngột dừng thanh toán nhiều loại thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), đe dọa việc điều trị của bệnh nhân. Bộ Y tế nói gì về việc này?

Nhiều loại thuốc đột ngột bị BHYT dừng chi trả, đe dọa khả năng điều trị của người bệnh

Chiều 25-5, đại diện Vụ BHYT – Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng, cho biết: việc các bệnh viện dừng thanh toán một số thuốc BHYT như phản ánh là do thực hiện Điểm đ Khoản 2 Điều 4 của Thông tư 40/2014/TT-BYT quy định: “Quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp: Sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt”.

Theo Vụ BHYT, Thông tư năm 2014 của Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT được xây dựng với sự tham gia của các Ban thuộc BHXH Việt Nam và các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Hữu Nghị, Việt Đức, K, Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương… có xin ý kiến rộng rãi các Sở Y tế. Sau khi ban hành, Bộ Y tế cũng đã tổ chức phổ biến, tập huấn Thông tư này trên toàn quốc.

Còn những vướng mắc được báo chí phản ánh như một số loại thuốc đắt tiền bị đột ngột dừng thanh toán BHYT khiến bệnh nhân lao đao, theo Vụ BHYT, thực tế có tình trạng các thuốc thương mại có cùng hoạt chất nhưng các nhà sản xuất khác nhau sẽ có các chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc khác nhau, trong khi việc đấu thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo tên hoạt chất. 

TS Hà Văn Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT- Bộ Y tế phân tích, các bác sĩ ngoài việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất còn sử dụng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, của cơ sở khám chữa bệnh, Dược thư Quốc gia hoặc các tài liệu y khoa khác. Trong các tài liệu này, hầu hết thuốc được hướng dẫn sử dụng theo tên hoạt chất.

Do đó xảy ra tình trạng bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc (theo tên hoạt chất) phù hợp với Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, Dược thư Quốc gia nhưng có thể một số chỉ định không có trong nội dung chỉ định đã đăng ký (theo tên thương mại của từng công ty đăng ký với Cục Quản lý Dược). 

Ngoài ra, trong thực tế lâm sàng, nhiều trường hợp mặc dù không có trong chỉ định đã đăng ký của nhà sản xuất nhưng vẫn cần sử dụng thuốc cho người bệnh, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp liên quan đến tính mạng của người bệnh.

Vì thế, việc cơ quan BHXH dừng thanh toán một số thuốc được sử dụng không phù hợp với chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc đã phê duyệt, dẫn đến tình trạng bệnh nhân đang điều trị không tiếp tục được thanh toán thuốc hoặc một số cơ sở khám chữa bệnh đã thanh toán thuốc cho người bệnh nhưng bị xuất toán, gây bức xúc.

Về phương án giải quyết bất cập này, Bộ Y tế cho biết sẽ tổng hợp các vướng mắc cụ thể của cơ sở khám chữa bệnh về vấn đề sử dụng thuốc ngoài chỉ định đã đăng ký để giải quyết. Bộ Y tế cũng sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét từng trường hợp cụ thể để làm căn cứ thanh toán, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.

Riêng với phản ánh của một số bệnh viện về việc BHYT chỉ thanh toán kháng sinh cefepim khi có kết quả kháng sinh đồ đã làm chậm trễ điều trị, trong khi bệnh nhân nặng, Bộ Y tế cho rằng bệnh viện hiểu như vậy là chưa đúng. TS Hà Văn Thúy khẳng định, Bộ Y tế không quy định cần làm kháng sinh đồ trước khi sử dụng cefepim mà chỉ yêu cầu cân nhắc khi sử dụng vì thuốc này nhằm dự phòng cho những trường hợp nặng hơn.