Bộ Y tế đồng thuận mở cửa trường trở lại vì học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng sức khỏe tâm thần học sinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Y tế cho biết, Bộ này hoàn toàn ủng hộ chủ trương dạy học trực tiếp của Bộ GD-ĐT trước tình trạng dạy học gián tiếp qua truyền hình, internet sẽ gia tăng tác động tiêu cực đến cả người dạy và học.
Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ chủ trương dạy học trực tiếp của Bộ GD-ĐT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ chủ trương dạy học trực tiếp của Bộ GD-ĐT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

“Khẩn trương, cương quyết, chu đáo đưa học sinh quay trở lại trường học” là nhấn mạnh được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại nhiều lần trong kết luận Hội nghị trực tuyến Toàn quốc về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục ngày 19-1.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc kéo dài hơn dạy học gián tiếp với các hình thức trên truyền hình, qua internet, những tác động tiêu cực sẽ lớn dần, gia tăng, ảnh hưởng đến cả người dạy và học.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo báo cáo của các chuyên gia, các địa phương, việc dạy học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần và thể chất. Vì vậy, Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ chủ trương dạy học trực tiếp của Bộ GD-ĐT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

PGS-TS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói thêm việc không được đến trường đã khiến các mối quan hệ bạn bè, hoạt động vui chơi ngoài trời bị gián đoạn, từ đó trẻ dễ rơi vào hụt hẫng, cảm thấy cô độc, sợ hãi.

Học trực tuyến nhiều giờ, lặp đi lặp lại, bó hẹp trong gian nhỏ hẹp cũng khiến trẻ dễ có cảm giác bị cô lập, bỏ rơi, buồn chán và sợ hãi. Việc ở nhà nhiều, tiếp cận với phương tiện internet nhiều nhưng thiếu kiểm soát dễ khiến trẻ lạm dụng game, rối loạn cảm xúc, kích động, hoang mang lo lắng.

Theo thống kê gần đây của Viện Sức khỏe tâm thần, tỉ lệ học sinh sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tăng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân. Theo nghiên cứu của ĐHQG TP.HCM về các vấn đề sức khỏe tinh thần của sinh viên cho thấy 56,8% thiếu tập trung và không hứng thú học tập, 48% thấy tự ti, mất phương hướng, 56,2% bị rối loạn giấc ngủ, 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.

Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD-ĐT) cho hay, việc tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp tác động rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của học sinh, nhà giáo và cả các phụ huynh.

Trước diễn biến của đợt dịch Covid-19 thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến 18-1-2022) toàn ngành có 130.014 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19.

Đến hết ngày 18-1-2022, có 4.797 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của ngành đang điều trị Covid-19.

“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Bộ Y tế cũng đã nêu một số quan điểm hoàn toàn ủng hộ chủ trương đưa học sinh nhanh chóng học trực tiếp trở lại trong thời gian tới. Về quan điểm chỉ đạo, Bộ GDĐT đề nghị lãnh đạo các địa phương, các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường”, Bộ trưởng nói, đồng thời nêu chỉ đạo cụ thể:

“Học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được tiêm vaccine, việc cho các em đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên Đán là phù hợp. Còn với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, các địa phương cần có sự chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức là hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, các cấp, các ngành; đặc biệt là sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương tránh rơi vào 2 trạng thái cực đoan: hoặc e dè chần chừ thái quá trong mở cửa, hoặc khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô…

Trước khi học sinh quay trở lại trường, theo Bộ trưởng, cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và học sinh; trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác.

Bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp.