Khát vọng xuôi dòng của người Cơ Tu (2):

Bỏ tục "săn máu" để thực hiện ước mơ

ANTĐ - Rời phố núi của những cây cau, chúng tôi đi ngược lên vùng đất Thượng Long- nơi có bản A Xăng nằm dưới chân núi Quỳnh Tang.

Người Cơ Tu nơi bản A Xăng với khát vọng đi hết một dòng sông

Bản A Xăng là một trong những vùng đất của đồng bào Cơ Tu cư ngụ xa xôi nhất của huyện Nam Đông. Đây cũng là điểm khởi nguyên của nhánh Tả Trạch chạy qua bản làng rồi hòa mình vào dòng suối Khe Tre trước khi đổ về xuôi tạo thành dòng Hương Giang thơ mộng.

Phải nói rằng, bản A Xăng là một trong những bản làng đẹp bậc nhất của huyện Nam Đông không chỉ điều kiện cơ sở vật chất mà nơi đây còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu nơi thượng nguồn dòng Tả Trạch. Bản chỉ có non 30 nóc nhà phân bố dọc sông A Kà. Trước những ngôi nhà, mỗi hộ dân đều đào ao thả cá, đắp lên những triền đê làm đường giao thông của bản. Trên mỗi triền đê, cau được trồng dày tạo bóng mát cho con đường liên thôn.

Gặp chúng tôi, già làng RaPát Roong mời vào nhà gươl- nhà truyền thống của người Cơ Tu để cùng ngồi nhấm rượu. Già bảo: “Ở đây là vùng đất xa xôi nhất của huyện rồi nên dù là một người đi rừng lấy củi hay cán bộ thì cũng trở thành khách quý của bản cả. Mà đã khách quý thì phải uống rượu Tà Vạt, nhấm thịt heo rừng trong nhà gươl".

Già làng Ra Pát Roong trong ngôi nhà gươl được trưng bày nhiều xương đầu các con vật lớn săn bắt được. Với người Cơ Tu đây là việc làm thể hiện sức mạnh

Nhà truyền thống của người Cơ Tu là thành quả lao động của cả một cộng đồng thôn bản. Sau vụ lúa và cá rô vừa qua, già làng RaPát Roong đã họp dân bản, mỗi người đóng góp 200.000 đồng để xây dựng nhà gươl. Mùa lúa mới vừa diễn ra trong bản cũng là lúc nhà gươl được đưa vào sử dụng. Bên trong căn nhà truyền thống có các họa tiết hình vẻ, mô phỏng các cô gái, chàng trai Cơ Tu với trang phục sặc sỡ múa cồng chiêng, săn bắt thú. Hai phía đầu sàn nhà bằng tre nứa là nơi đặt các tấm ván được nện đất dày dùng làm nơi đốt lửa mỗi khi có lễ hội.

Chỉ tay lên mái nhà gươl, già làng RaPát Roong bảo: “Đó là thành quả lao động của những thợ săn trong làng một thời đó. Ở bất cứ nhà gươl nào của người Cơ Tu chúng tôi đều để xương đầu, mình của các loài thú lớn săn bắt được. Bản làng nào để càng nhiều loài thú càng tự hào. Tục xưa là thế”.

Già làng Cơ tu ở bản A Xăng với bộ cung nỏ một thời săn thú lừng danh của mình

Theo hướng chỉ tay già RaPát Roong, trên mái nhà gươl có hơn 20 bộ xương của các loại thú, đó là thành quả lao động của lớp trai bản trong làng một thời. Người Cơ Tu treo lên trần nhà để lớp con cháu biết về cha ông mà tự hào. Người Cơ Tu trong cộng đồng dân tộc Việt được xem là một dân tộc dũng mãnh. Tục “săn máu” của họ đến những năm đầu thế kỷ 20 mới kết thúc. Người Cơ Tu sử dụng sức mạnh từ những vũ khí với chất độc bí truyền để tấn công các dân tộc khác khi họ bị dịch bệnh hay mất mùa. Có những nơi, tục “săn máu” lấy đầu người ghê rợn này đã tồn tại đến những năm 40-50 của thế kỷ trước. Quá khứ loạn lạc ấy nay đã không còn, chỉ còn lại trong ký ức những người già là lớp thợ săn nức tiếng một thời.

Ngừng ly rượu, già làng RaPát Roong mang từ trong nhà ra chiếc nỏ với ống tre thường để tẩm chất độc để săn thú. Già bảo: “Trước đây mình cũng là một thợ săn, mỗi lần bắt được thú lớn đều mang về bản ăn mừng, lấy xương đầu treo lên mái nhà gươl. Từ sau năm 1975, bản A Xăng được thành lập, mình không đi săn nữa vì nghĩ săn mãi con thú trên rừng cũng hết, cây cối cũng không còn. Được sự giúp đỡ của nhà nước, bà con nay đã biết trồng lúa, trồng rừng để ăn rồi”.

Đi hết một dòng sông

Bỏ tục "săn máu" để thực hiện ước mơ ảnh 4
Phạm Thị Thủy Phượng- người con Cơ Tu đã thực hiện được khát vọng ''đi hết một dòng sông'' của cha ông

Dòng sông A Kà- nơi điểm tựa lưng của bản làng A Xăng vào mùa này nước đã cạn, trơ mình đá. Phía trên thượng nguồn, từng lớp nước vẫn lặng lẽ cuộn mình về xuôi, góp vào dòng Tả Trạch để xuôi về tạo thành sông Hương đổ ra biển cả, mang bao khát vọng của những lớp người Cơ Tu muốn vượt đại ngàn về với miền xuôi rực rỡ ánh đèn. Những người Cơ Tu lớn tuổi trong bản làng thường truyền nhau câu nói “đi hết một dòng sông” như là một lời khuyên, nhắn nhủ đối với lớp con cháu hãy lấy sự học làm đầu, có cơ hội xuống núi, xuôi hết dòng sông Hương để đến với đất kinh kỳ đô hội. Ở nơi ấy, người Cơ Tu sẽ học được cái hay, cái lạ mà ở dân tộc mình chưa có được.

Già làng RaPát Roong kể rằng dù đã bước qua tuổi 75 nhưng ông chưa một lần đặt chân về miền xuôi để được mở mang tầm mắt. Dòng Tả Trạch dài 67km từ thượng nguồn về ngã ba Bằng Lãng với hàng trăm thác ghềnh đã ngăn bước chân người Cơ Tu xuống phố. Không riêng gì những con người biết nghĩ biết lo như già Roong, nhiều lớp thế hệ nay có những người gần đất xa trời hay đã khuất bóng núi đều có chung một mong ước như ông.

Cầu A Kà- nơi có con sông A Kà thượng nguồn dòng Tả Trạch tạo thành sông Hương

Huyện Nam Đông muốn về xuôi gần như chỉ có tuyến tỉnh lộ 14B ngược đèo La Hy cách trở. Hơn ai hết, từ hàng trăm năm nay, người Cơ Tu cũng đã ý thức được sự thua thiệt của dân tộc mình, cách biệt đối với bên ngoài nên luôn căn dặn các lớp con cháu sau này học hành tấn tới. Những người Cơ Tu là con em của bản, khi đậu đại học đều được làng tổ chức ăn mừng ngay tại nhà gươl, như một phần thưởng xứng đáng cho những người con hiếu học.

Gặp chị Phạm Thị Thủy Phượng- một trong những sinh viên Cơ Tu ở bản A Xăng đang theo học năm nhất Đại học Nông lâm Huế. Chị bảo: “Từ nhỏ mình đã ước ao một lần về với đất Huế nên mình đã cố gắng học. Giờ ước nguyện đó đã thành hiện thực rồi, mình nguyện sau khi học ra trường sẽ về làm việc, cống hiến cho quê hương”.

Nhắc đến việc học của con em trong thôn bản, ông Kim Văn Đan- Trưởng bản A Xăng không giấu nổi vẻ tự hào: “Nhờ ý thức được việc học, hiện nay trong bản làng A Xăng đã có khoảng 10 em theo học đại học và cao đẳng nhiều trường trong và ngoài tỉnh. Bản A Xăng cũng có 40 học sinh tiểu học, là lớp người kế cận nối bước cha anh. Điều phấn khởi là cho đến nay, trong bản làng đã không có người mù chữ”.

Từ thượng nguồn dòng Tả Trạch về đến nơi hai nhánh sông gặp nhau là ngã ba Tuần, phải qua khoảng 120 cái thác, trong đó có 55 thác lớn, nước chảy xiết, do đó rất nhiều người Cơ Tu dù đã hết một đời người nhưng chưa một lần được đặt chân đến nơi kinh kỳ rực rỡ ánh điện. Với người Cơ Tu, mỗi dòng sông như một cuộc đời, có lúc qua thác ghềnh sóng gió, nhưng cũng có lúc qua đồng bằng êm dịu. Khát vọng đi hết một dòng sông đã trở thành chân lý sống mạnh mẽ của người Cơ Tu.