Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của “Bộ tứ Kim cương” Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ:

“Bộ tứ Kim cương” hợp tác đảm bảo vaccine Covid-19 an toàn, bình đẳng trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của “Bộ tứ Kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ diễn ra vào ngày 12-3-2021 tới theo hình thức trực tuyến. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của nhóm “Bộ tứ Kim cương” kể từ khi cơ chế này được thành lập vào năm 2007.
Lãnh đạo 4 nước “Bộ tứ Kim cương” gồm Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Australia, Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Ấn Độ

Lãnh đạo 4 nước “Bộ tứ Kim cương” gồm Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Australia, Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Ấn Độ

Tại Hội nghị có tên “Đối thoại Tứ giác an ninh” này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ thảo luận hàng loạt các vấn đề quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như đại dịch Covid-19; kế hoạch phân phối vaccine Covid-19; hợp tác kinh tế, an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu…

Sự kiện quốc tế đa phương đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thông tin, Hội nghị Thượng đỉnh “Đối thoại Tứ giác an ninh” là sự kiện quốc tế đa phương đầu tiên mà Tổng thống Joe Biden tham dự kể từ khi nhậm chức. Theo giới phân tích, việc tân Tổng thống Mỹ Joe Biden lựa chọn tham gia hội nghị này kể từ khi lên nắm quyền cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đặc biệt chú trọng tới mối quan hệ với các đối tác và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo các nguồn tin được Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn lại, trong một vài tuần trở lại đây, Nhà Trắng liên tục tham gia các cuộc đối thoại với đại diện các thành viên trong “Bộ tứ Kim cương”. Cụ thể, người đứng đầu nỗ lực lần này là ông Kurt Campbell - nhân sự cấp cao chuyên phụ trách các vấn đề châu Á trong chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden - đã có nhiều cuộc tiếp xúc với Đại sứ 3 nước Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Phát ngôn viên Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng “Bộ tứ Kim cương” đóng vai trò trung tâm trong khu vực. “Bộ tứ Kim cương là một điển hình về việc Mỹ và một số đối tác gần gũi nhất cùng phối hợp vì sự tốt đẹp của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Do đó, chúng tôi vun đắp bằng cách làm sâu sắc thêm việc hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống, trong khi phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhằm đương đầu với các thách thức” - Phát ngôn viên Ned Price phát biểu.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 10-3 cũng nêu rõ: “Tại Hội nghị Thượng đỉnh 4 bên lần thứ nhất, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời trao đổi quan điểm về những lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm”.

Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Taranjit Singh Sandhu nhấn mạnh: “Bộ tứ Kim cương” không chỉ là một cơ chế an ninh và sự liên kết không phải đối tác, không phải liên minh này có những mục tiêu lớn hơn. Có một chương trình nghị sự tích cực ở đây. Khi Ngoại trưởng các nước “Bộ tứ Kim cương” tương tác với nhau, họ đã tạo ra sự kết nối rộng rãi giữa các quốc gia cùng chí hướng, các nền kinh tế thị trường và họ sẽ cùng nhau làm việc để đảm bảo một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Đảm bảo vaccine an toàn, bình đẳng và giá cả phải chăng

Một trong những chủ đề trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh giữa 4 nhà lãnh đạo Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia là “đảm bảo vaccine an toàn, bình đẳng và giá cả phải chăng” cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hoành hành ở châu Á - theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ.

Được biết, Ấn Độ đã hối thúc 3 nước trên đầu tư vào năng lực sản xuất vaccine phòng ngừa Covid-19 của mình để chống lại “chiến lược ngoại giao vaccine của Trung Quốc”. Ấn Độ - với tư cách là nhà sản xuất vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới tin rằng họ đang có lợi thế để đi đầu trong ý định này - một số quan chức cấp cao Ấn Độ cho hay. “Ấn Độ đang có nhiều phương án vaccine hơn bất cứ quốc gia châu Á nào tính tới thời điểm này. Ấn Độ kỳ vọng các thành viên của QUAD sẽ chi trả để đẩy mạnh việc sản xuất” - nguồn tin trên cho biết.

Hiện Bắc Kinh đã cam kết cung cấp ít nhất 463 triệu liều vaccine phòng ngừa Covid-19 tự sản xuất cho nhiều nơi trên khắp thế giới, cho các nước trên toàn thế giới, từ châu Á, châu Âu cho tới Mỹ Latinh thông qua xuất khẩu và viện trợ.

Khi được hỏi về thông tin trên, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington tập trung vào việc mở rộng tiêm chủng toàn cầu, sản xuất và phân phối vaccine. Còn một nguồn tin thuộc Chính phủ Australia cho hay, quốc gia này cùng với các thành viên còn lại của “Bộ tứ Kim cương” xem việc hồi phục toàn cầu sau đại dịch là một ưu tiên chính sách. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tuyên bố: “Bộ tứ Kim cương” thảo luận về sự cần thiết và tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu để đảm bảo các nước đang phát triển được tiếp cận nguồn vaccine một cách công bằng”.

Bước đi đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm “hồi sinh” nhóm “Bộ tứ Kim cương”

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay, cuộc họp của các quốc gia “Bộ tứ Kim cương” cho thấy Tổng thống Joe Biden đề cao tầm quan trọng với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo người phát ngôn, một loạt các vấn đề cộng đồng toàn cầu phải đối mặt dự kiến sẽ được thảo luận tại cuộc họp, từ mối đe dọa của Covid-19 đến hợp tác kinh tế và tất nhiên, đến khủng hoảng khí hậu. Điều này gửi đi một tín hiệu rất mạnh mẽ về nguyên nhân và mục đích chung.

Về cơ bản, mục tiêu ở đây là giới thiệu “Bộ tứ” như một đặc điểm mới của ngoại giao thường xuyên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hội nghị trực tuyến sẽ kéo dài khoảng 2 giờ và đặt nền tảng cho một cuộc gặp trực tiếp vào cuối năm nay. Các nhà lãnh đạo sẽ giải quyết “các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở và hòa nhập. Hội nghị Thượng đỉnh cũng sẽ thảo luận về các chuỗi cung ứng, các công nghệ mới nổi và quan trọng, an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu.

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm “Bộ tứ” diễn ra vài ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin có kế hoạch thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối tháng 3. Chuyến thăm của ông Blinken và Austin sẽ là chuyến thăm đầu tiên tới các đồng minh châu Á của các quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu của Mỹ kể từ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1-2021.

Tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu

“Bộ tứ Kim cương” thảo luận về sự cần thiết và tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu để đảm bảo các nước đang phát triển được tiếp cận nguồn vaccine một cách công bằng”.

Toshimitsu Motegi (Ngoại trưởng Nhật Bản)

Phối hợp vì sự tốt đẹp của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

“Bộ tứ Kim cương” đóng vai trò trung tâm trong khu vực. “Bộ tứ Kim cương” là một điển hình về việc Mỹ và một số đối tác gần gũi nhất cùng phối hợp vì sự tốt đẹp của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Do đó, chúng tôi vun đắp bằng cách làm sâu sắc thêm việc hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống, trong khi phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhằm đương đầu với các thách thức”.

Ned Price (Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ)

Kết nối để đảm bảo một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ

“Bộ tứ Kim cương” không chỉ là một cơ chế an ninh và sự liên kết không phải đối tác, không phải liên minh này có những mục tiêu lớn hơn. Có một chương trình nghị sự tích cực ở đây. Khi Ngoại trưởng các nước “Bộ tứ Kim cương” tương tác với nhau, họ đã tạo ra sự kết nối rộng rãi giữa các quốc gia cùng chí hướng, các nền kinh tế thị trường và họ sẽ cùng nhau làm việc để đảm bảo một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Taranjit Singh Sandhu (Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ)