Bộ trưởng VH-TT&DL: Vợ suốt ngày ép chồng đi kiếm tiền, lên chức này nọ… thì có phải bạo lực?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong bạo lực gia đình thì bạo lực tinh thần rất phức tạp và khó khu trú, “chẳng hạn vợ suốt ngày ép chồng phải đi kiếm nhiều tiền, lên chức này chức nọ… thì có phải bạo lực không?”.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga thảo luận tổ về Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga thảo luận tổ về Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Chiều nay, 31-5, Quốc hội thảo luận tổ về Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đa số ĐBQH đều tán thành với việc sửa luật này, bởi sau 15 năm thực thi Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế. Thực trạng bạo lực gia đình hiện đang rất nhức nhối.

Góp ý về một số nội dung cụ thể tại dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dường như vẫn bỏ quên một đối tượng rất quan trọng, rất dễ bị bạo lực gia đình, đó chính là trẻ em, nhất là với những trẻ em nhỏ tuổi. Lý do vì trẻ em là đối tượng yếu thế chưa đủ nhận thức để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, chưa đủ khả năng để tố cáo.

Nữ ĐBQH dẫn ví dụ, gần đây, phát hiện rất nhiều vụ việc trẻ em bị bạo lực gia đình khủng khiếp nhưng không cơ quan đoàn thể nào biết để ngăn chặn sớm, chỉ đến khi trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, báo chí lên tiếng thì vụ việc mới được phát hiện và lên án. Khi đó thì đã quá muộn, có những trẻ không qua khỏi.

ĐB Trình Lam Sinh (An Giang) dẫn lại việc trong tờ trình dự thảo Luật này của Chính phủ có đề cập số liệu điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục, trong đó có 90% không dám hoặc không muốn nhờ can thiệp giúp đỡ.

“Kết quả điều tra này cho thấy bạo lực gia đình ở Việt Nam đang tăng lên so với 2009, làm thiệt hại 1,8% GDP của đất nước, rõ ràng rất nguy hiểm” – Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Long An nói, đồng thời đề nghị trong dự thảo luật cần xem xét bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình, nhất là các hành vi bạo lực tinh thần bởi rất đa dạng.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng

Giải thích thêm về nội dung dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL, cơ quan chủ trì soạn thảo luật) Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, xây dựng bộ luật này là điều không đơn giản, bởi bộ luật rộng, ai cũng nói được nhưng thể hiện, thể chế thành công cụ pháp luật thì không hề đơn giản.

Bạo lực thể xác, kinh tế có thể nhận ra được, nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản. Và khu trú ra bằng các biểu hiện bên ngoài như thế nào để lượng hóa đầy đủ là không hề đơn giản. Chẳng hạn, chúng ta nói nhiều về bạo lực tình dục, nhưng đây là vấn đề tế nhị, ít được đề cập đến, nên khó nói được hết những gì cần phải nói.

“Hay hôm trước tôi đi báo cáo trước Uỷ ban Xã hội để thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức để trình dự án Luật này, các thành viên trong Ủy ban cũng nói chuyện, cũng đặt ví dụ bây giờ sức ép của các bà vợ cứ bảo phải đi làm cho có thật nhiều tiền, rồi phải lên chức nọ chức kia thì đấy có phải hình thức bạo lực gia đình không?” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và đề nghị các đại biểu góp ý thêm để khu trú được đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình trong luật.

“Bây giờ khó như vậy thì dựa vào trục gì là chính, cơ quan soạn thảo dự luật đã bắt đầu từ Hiến pháp 2013 - đó là quyền con người. Trục thứ hai là dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề xây dựng gia đình, coi gia đình là tế bào xã hội, là gốc để hình thành nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức.

Với nhận diện như vậy thì chúng tôi lựa chọn 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Tin cùng chuyên mục