Bộ trưởng Tô Lâm: Cử tri đề nghị Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ được phổ cập toàn xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc xây dựng Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ không phải là vấn đề tách luật, chia quyền mà nhằm đảm bảo tốt hơn cho sự an toàn của con người.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu trước Quốc hội chiều 16-11

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu trước Quốc hội chiều 16-11

Cuối phiên thảo luận tại Quốc hội chiều nay, 16-11, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp thu ý kiến các đại biểu và giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều ĐBQH quan tâm liên quan đến Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tại buổi thảo luận tổ trước đó cũng như trong buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm nay, đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, rất đáng trân trọng.

Các ý kiến này Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, giải trình nghiêm túc, thấu đáo. Người đứng đầu ngành Công an cho biết thêm, trước đó, ngày 5-11, Chính phủ đã có báo cáo số 585 tiếp thu, giải trình gửi đến các ĐBQH.

Đi sâu vào một số vấn đề lớn nhận được nhiều sự quan tâm của dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Bộ trưởng Tô Lâm đã lý giải về sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ cũng như những băn khoăn xung quanh việc tách 2 luật từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Trước hết, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc cần thiết tách nội dung bảo đảm TTATGT khỏi Luật Giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm TTATXH do Bộ Công an chịu trách nhiệm chính.

Chính phủ xác định TTATGT là môt bộ phận của bảo đảm TTATXH nên đã yêu cầu xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT, giao trách nhiệm cho Bộ Công an chịu trách nhiệm chính công tác này, phối hợp với các bộ, ngành khác để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

“Nếu giao trách nhiệm cho Bộ Công an, lực lượng Công an không tăng biên chế, không tăng thủ tục hành chính. Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ trong Đảng uỷ Công an Trung ương và các cơ quan chuyên trách, thống nhất Bộ Công an nhận trách nhiệm chính trong bảo đảm ATGT cho người dân” – Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.

Điểm thứ hai được Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ không phải là tách luật, mà trên thực tế quá trình làm luật cùng với sự phát triển chung của mọi mặt đời sống xã hội đòi hỏi càng ngày càng phải đi vào những lĩnh vực cụ thể, càng phải quy định chi tiết, nhất là liên quan đến quyền của con người, quyền của công dân được cụ thể hóa.

Hơn nữa, việc tách các dự án Luật từ một luật ban đầu không có gì mới, đến nay đã có nhiều Luật được tách, ví dụ như Luật Đầu tư; Luật Khiếu nại, tố cáo... đều được tách thành nhiều dự án Luật khác nhau.

“VIệc tách Luật là việc việc bình thường nếu cần thiết. Không phải là vấn đề chia quyền mà đảm bảo tốt hơn cho sự an toàn của con người” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong quá trình soạn thảo luật này, Bộ Công an nhận được rất nhiều ý kiến cử tri đề nghị xây dựng Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ là luật phổ cập toàn xã hội. Từ các cháu bé đi học cho đến các cụ già đều phải được tuyên truyền, được giải thích về luật này. Những người tham gia giao thông phải học, phải thi sát hạch, phải thực hiện nghiêm túc những điều luật này.

Vì thế, cũng có đề nghị là soạn thảo luật này phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ học, ngắn gọn, nếu mà dài thì khó học thuộc, khó triển khai khi tổ chức thực hiện.

"Nếu vấn đề TTATGT được để chung với các luật khác, luật về giao thông đường bộ, xây dựng hạ tầng rồi những quy định khác nữa thì chúng tôi nghĩ là nó quá dài. Đây là một điểm thực tế để chúng ta phải xem xét về những vấn đề này" - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Cuối cùng, người đứng đầu ngành Công an cho biết, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhất trí.

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã bàn thảo, thống nhất việc tách thành 2 dự án Luật không vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng văn bản pháp luật, không làm ảnh hưởng lẫn nhau.