Bộ trưởng Tài chính đề xuất giao Bộ Công Thương quản lý toàn diện về xăng dầu, kể cả giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc quản lý xăng dầu hiện nay được Chính phủ giao cho nhiều bộ ngành, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết tới đây sẽ kiến nghị giao toàn diện phần xăng, dầu về Bộ Công Thương, kể cả phần giá…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại Quốc hội chiều 28-10

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại Quốc hội chiều 28-10

Chiều 28-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình nhiều ý kiến của ĐBQH liên quan đến trách nhiệm của Bộ này, trong đó có vấn đề xăng dầu và thị trường chứng khoán, trái phiếu.

Về thiếu hụt nguồn cung xăng, dầu thời gian gần đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nhu cầu xăng, dầu của đất nước ta khoảng 19,2 triệu tấn/ năm. Hiện nay chúng ta có 2 nhà máy sản xuất: nhà máy lọc dầu Bình Sơn công suất 6,2 triệu tấn, 9 tháng vừa qua đạt 4,4 triệu tấn, như vậy đạt 70% kế hoạch, tức là đạt sản lượng đề ra; Còn nhà máy Nghi Sơn đạt 6,8 triệu tấn, 9 tháng mới đạt được 43%, tức vẫn thiếu hụt nguồn cung.

Về nhập khẩu, theo kế hoạch là 6,2 triệu m3/tấn, chiếm 32% nguồn cung và được phân bổ cho các đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm mới có 19/33 đầu mối nhập được 3,97 triệu tấn, tức không đạt kế hoạch. Riêng quý 3 nhập khẩu giảm 40% với mặt hàng xăng, giảm 35% với dầu. Theo ông Phớc đây là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hụt nguồn cung.

Về các giải pháp, ông Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã giảm thuế môi trường xuống 3000 đồng/1 lít; thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu giảm từ 20% xuống còn 10%. Đồng thời có hai lần điều chỉnh tăng chi phí vận chuyển, với mỗi lít xăng RON92 có mức chi phí vận chuyển và quản lý chiếm tới gần 2.000 đồng/lít.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, để rà soát chi phí kinh doanh xăng dầu làm căn cứ điều chỉnh, Bộ đã hai lần có văn bản xin ý kiến Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, hiện mới chỉ nhận được văn bản của 6 thương nhân đầu mối (chiếm 8,5% sản lượng xăng dầu), trong khi ý kiến Bộ Công Thương chưa nhận được.

Vì thế, theo ông Phớc, sắp tới sẽ đề nghị sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó "giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương" gồm quyết định về giá và chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động.

“Cho nên sắp tới chúng tôi đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95, giao toàn diện phần xăng, dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả phần quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, Bộ trưởng Tài chính cho biết, xuất phát từ Luật Doanh nghiệp về phát hành trái phiếu riêng lẻ và Luật Chứng khoán thì việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rất đơn giản. Chúng ta khuyến khích vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên nguyên tắc là tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm.

Hiện nay dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1.204.000 tỷ đồng, tức là chiếm 12,8% GDP. Về chiến lược phát triển của chứng khoán thì trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến năm 2030 đạt 25%, hiện nay đang ở mức 12,8%. Trong nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì chủ yếu là ngân hàng chiếm 46%, các ngân hàng thương mại, bất động sản chiếm 37,5%, còn lại là các gói của các doanh nghiệp khác.

“Sắp tới chúng tôi đề xuất sẽ sửa Luật Doanh nghiệp, sửa Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và cũng tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.