Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị rút kinh nghiệm việc "điều động cô giáo làm lễ tân"

ANTD.VN - Công văn từ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh chiều 14-11 đề nghị tỉnh này tạo điều kiện để giáo viên tập trung vào chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chính thức gửi phản hồi ý kiến về việc giáo viên Hà Tĩnh được điều động đi phục vụ sự kiện, hội nghị tới Chủ tịch UBND tỉnh này vào chiều 14-11.

Công văn từ Bộ GD-ĐT nêu rõ, theo phán ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua, Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã điều động một số giáo viên phục vụ các sự kiện, hội nghị tổ chức tại địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc bố trí giáo viên làm các công việc có thể ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của người giáo viên và việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là không phù hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đồng chí kiểm tra, làm rõ thông tin trên; chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời nếu đúng như báo chí phản ánh. Đồng thời, đề nghị chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh xác nhận với báo Thanh Niên lãnh đạo sở đã nhận được phản ánh về việc: UBND TX.Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều động một số nữ giáo viên làm lễ tân tại các sự kiện do thị xã tổ chức. Trong những ngày tới, lãnh đạo sở sẽ yêu cầu Phòng GD-ĐT TX.Hồng Lĩnh và các cô giáo tường trình sự việc này.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc này không phải chỉ dừng lại ở phạm vi một địa phương, mà còn có thể ảnh hưởng tới uy tín của ngành nên Bộ phải có chỉ đạo. Đây cũng là vấn đề dễ xảy ra hàng ngày, khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với sự việc không đúng quy định, vi phạm phẩm chất đạo đức người thầy thì phải xử lý ngay. Các thầy, cô ngoài việc rèn luyện nâng cao chuyên môn, còn là tấm gương cho học sinh.  Đã làm tấm gương thì không thể nói trong giờ hành chính thì chấp hành quy định, ngoài giờ hành chính thì không chấp hành.

Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, Luật Giáo dục có một chương nói về phẩm chất nhà giáo. Trên cơ sở đó, các thầy cô phải giữ nguyên tắc phẩm chất của mình, trong trường hợp họ bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết trách nhiệm thuộc về chính họ, sau đó mới đến người lôi kéo. Quan điểm của Bộ là ai sai tới đâu xử lý tới đó. Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy có chỉ đạo, phân công không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị, còn nếu cứ thực hiện là vi phạm. "Để ngành giáo dục được trong sạch thì trước hết, từng thầy cô phải nghiêm túc" - công văn nêu.