Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Giải đáp câu hỏi nóng về xét tuyển đại học

ANTĐ - Trước đánh giá của thí sinh và người nhà về cách đăng ký xét tuyển năm nay quá phức tạp, gây vất vả, lo lắng cho mọi người, ngày 14-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời trực tuyến những băn khoăn này.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Giải đáp câu hỏi nóng về xét tuyển đại học ảnh 1

-  PV: Việc xét tuyển làm quá dở. Nếu Bộ GD-ĐT áp dụng CNTT thì việc xét tuyển sẽ đơn giản và nhanh gọn, Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Việc ứng dụng CNTT- Truyền thông (ICT) trong giáo dục và đào tạo là xu hướng tất yếu và thực tế ngày càng được đẩy mạnh trong giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, để áp dụng ICT thành công thì ngoài yếu tố con người, kết cấu hạ tầng ICT rất quan trọng, đóng vai trò quyết định. Hiện nay, kết cấu hạ tầng ICT của các trường ĐH, CĐ Việt Nam không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền khác nhau nên điều kiện tiếp cận với ICT còn hạn chế, chưa thể triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH, CĐ có đủ điều kiện triển khai hình thức đăng ký trực tuyến qua mạng và đã có nhiều trường sử dụng hình thức này.

- Tôi có cháu ruột ở miền núi, nhà rất nghèo, không có mạng internet. Vậy bằng cách nào cháu tôi nắm bắt thông tin xét tuyển nhanh nhất và ít hoặc không tốn tiền?

- Chúng tôi hiểu và chia sẻ với những khó khăn ở các vùng miền hiện nay. Vì vậy, các chế độ ưu tiên cũng là một phần động viên thí sinh ở vùng khó khăn. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT cung cấp thông tin về tuyển sinh cho các em với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, các trường THPT phải mở hệ thống phòng máy tính kết nối mạng để các cháu có thể tra cứu nắm bắt thông tin. Nhiều trường THPT đã in ra giấy thông tin tuyển sinh và chuyển đến cho thí sinh. Nỗ lực này cũng chưa thể giải quyết hết tất cả khó khăn của thí sinh. Để tận dụng cơ hội của mình, các cháu cũng cần chủ động với những cách thức phù hợp để tận dụng hết những điều kiện thuận lợi mà mình có thể có.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Giải đáp câu hỏi nóng về xét tuyển đại học ảnh 2Việc áp dụng CNTT trong xét tuyển đại học để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho thí sinh chưa được áp dụng triệt để. (Trong ảnh: Thí sinh mệt mỏi xếp hàng chờ tới lượt nộp hồ sơ tại ĐH Đà Nẵng)

- Ngày nào tôi và con cũng phải canh điểm, lo đến mất ăn mất ngủ. Con tôi điểm tương đối cao (23 điểm) mà vẫn có nguy cơ trượt ĐH dù chỉ chọn trường ở tốp giữa. Bộ trưởng nghĩ sao về việc này? 

- Mức điểm trúng tuyển hàng năm vào các trường phụ thuộc vào kết quả thi của các cháu đăng ký. Năm nay, việc cung cấp thông tin xét tuyển của các trường công khai, cập nhật liên tục để học sinh, phụ huynh có thông tin và phán đoán được khả năng trúng tuyển để giữ nguyên hoặc thay đổi nguyện vọng đăng ký. Phụ huynh và học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn và do vậy vất vả hơn năm trước. Nếu thí sinh không muốn vất vả thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển như năm trước bằng cách nộp thẳng hồ sơ xét tuyển vào trường, không theo dõi thông tin nữa và chờ trường thông báo kết quả. Bộ muốn các cháu chủ động cập nhật thông tin và cân nhắc lựa chọn để có quyết định phù hợp cho mình. 

- Nếu thí sinh nộp hồ sơ qua bưu điện và đến ngày 20-8 mà trường vẫn chưa nhận được thì sẽ làm thế nào ?

- Nếu nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện thì trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ dấu xác nhận trên bưu phẩm để tính mốc thời gian. Ngành bưu chính cố gắng trong vòng 2 ngày có thể chuyển bưu phẩm từ các địa phương trong cả nước đến các trường ĐH, CĐ. Trong trường hợp đã nêu, trước hết, thí sinh cần liên hệ với bưu điện để xác nhận kết quả chuyển phát nhanh. Trong trường hợp bị thất lạc, thí sinh cần liên hệ với bưu điện và nhà trường hoặc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để có biện pháp hỗ trợ thí sinh đảm bảo quyền lợi.

- Tại sao Bộ không tổ chức đăng ký xét tuyển tại các Sở GD-ĐT để đỡ vất vả cho thí sinh?

- Theo nguyện vọng của các trường ĐH, CĐ và tinh thần tự chủ tuyển sinh, việc đăng ký xét tuyển diễn ra ở các trường. Quy chế cho phép các thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng các hình thức khác nhau như: trực tiếp, trực tuyến, gửi chuyển phát… Để hỗ trợ thí sinh, Bộ GD-ĐT đã cho phép thí sinh nộp và thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển tại các Sở           GD-ĐT. 

- Đợt xét tuyển này, các trường có tuyển đủ chỉ tiêu hay chỉ tuyển 70% như dự kiến, thưa Bộ trưởng?

- Không có quy định nào bắt buộc đợt xét tuyển đầu tiên các trường chỉ được tuyển 70% chỉ tiêu. Tùy thuộc vào tình hình đăng ký xét tuyển vào các ngành/nhóm ngành của trường, Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ quyết định điểm trúng tuyển vừa đáp ứng chỉ tiêu đào tạo vừa đảm bảo chất lượng đầu vào. Nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường có thể tuyển bổ sung ở đợt tiếp theo.