Bộ trưởng KH&CN lý giải vì sao đề tài nghiên cứu xong… xếp ngăn kéo

ANTĐ -Vấn đề được quan tâm nhất với ngành khoa học công nghệ (KH&CN) hiện nay là chất lượng nghiên cứu khoa học còn hạn chế, các đề tài nghiên cứu xong... xếp ngăn kéo rất phổ biến, trong khi các lĩnh vực kinh tế lại rất cần ứng dụng công nghệ. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã lý giải về thực trạng này.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN sáng nay, 12-6, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt vấn đề, dù còn khiêm tốn song hiện nay ngân sách nhà nước mỗi năm vẫn dành 1.300 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học, luật khoa học công nghệ cũng đã có. Vậy  tại sao sản phẩm khoa học vẫn chủ yếu nghiên cứu trên bàn giấy, nghiên cứu xong xếp ngăn kéo? Một số ĐBQH khác hỏi tại sao đến nay chúng ta vẫn chưa có thị trường công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất rất hạn chế?

ĐB Nguyễn Mạnh Cường hỏi: tại sao đề tài nghiên cứu khoa học xếp ngăn kéo nhiều thế?

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân lý giải, thị trường công nghệ là thị trường phát triển muộn nhất trong các thị trường ở Việt Nam, mới chỉ hình thành và phát triển sau năm 2000. Trước đó cũng đã manh nha. Có 4 yếu tố để phát triển thị trường công nghệ nhưng trước chúng ta chỉ quan tâm đến 2 yếu tố là nguồn cung (các sản phẩm nghiên cứu của các Viện, các trường Đại học, các cơ quan) và nguồn cầu công nghệ (doanh nghiệp). Còn 2 yếu tố là các định chế trung gian trong phát triển thị trường công nghệ và hệ thống pháp lý, thể chế chưa được quan tâm thỏa đáng.

Những năm gần đây, chúng ta đã quan tâm hơn đến 2 yếu tố này, trong đó đến nay về cơ bản môi trường pháp lý đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, các định chế trung gian trong thị trường công nghệ thì vẫn còn yếu. Kết quả nghiên cứu không đến được với sản xuất kinh doanh, các nhà khoa học không đến được với doanh nghiệp cũng vì thiếu các tổ chức trung gian. Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận trách nhiệm của mình trong những năm qua là “chúng tôi chưa làm được nhiều trong việc tổ chức ra các định chế trung gian, đây là khâu yếu nhất và thời gian tới chúng ta sẽ cố gắng khắc phục”.

Tiếp tục lý giải vì sao rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu xong thì xếp ngăn kéo, không được ứng dụng vào thực tiễn, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, các đề tài xếp ngăn kéo có 3 loại. Thứ nhất, các nghiên cứu cơ bản thì cơ bản xếp ngăn kéo vì đây là những nghiên cứu đi trước thời đại, phải đợi đến thời điểm thì mới áp dụng được. Ngay ở Mỹ cũng có những nghiên cứu cơ bản hoàn thành xong, vài chục thập niên sau mới được ứng dụng và đem lại hiệu quả vô cùng lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu 3 nguyên nhân khiến nghiên cứu khoa học xếp ngăn kéo

Thứ 2 là những đề tài nghiên cứu ứng dụng, một số đề tài thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư nên không được cụ thể thành sản phẩm hàng hóa. Điều này một phần bởi doanh nghiệp của ta hầu hết là vừa và nhỏ không đủ năng lực đầu tư ứng dụng công nghệ. Song Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thừa nhận có một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự, không ứng dụng được vì không xuất phát từ nhu cầu thực sự của doanh nghiệp, không phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn mà chỉ từ mong muốn của nhà khoa học.

Luật Khoa học Công nghệ 2013 đã có những nội dung quan trọng để khắc phục, trong đó quy định những nghiên cứu từ ngân sách nhà nước phải xuất phát từ đơn đặt hàng, Bộ KH&CN cũng đã xây dựng cơ chế đặt hàng. Do vậy, để trả lời câu hỏi bao giờ mới hết đề tài nghiên cứu xếp ngăn kéo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, nếu thực hiện nghiêm túc Luật Khoa học Công nghệ 2013 thì chắc chắn không còn, vấn đề là có thực hiện nghiêm túc được hay không.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hàng năm không phải chỉ có 1.300 tỷ đồng cho tổng nghiên cứu khoa học công nghệ mà hiện nay đã dành khoảng trên dưới 20% trong số 2% ngân sách chi cho nghiên cứu, nên hàng năm có trên dưới 3000 tỷ đồng chi cho công tác này.