Bộ trưởng Công Thương nói về việc cán bộ QLTT vi phạm pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc một số cán bộ quản lý thị trường (QLTT) vi phạm vừa qua là sự việc đáng tiếc, đau lòng và cần phải rút kinh nghiệm.
Cần chấn chỉnh đạo đức công vụ QLTT

Cần chấn chỉnh đạo đức công vụ QLTT

Tại buổi làm việc với Tổng cục QLTT vừa diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhắc lại sự việc đáng tiếc xảy ra những ngày qua liên quan đến một số cán bộ, công chức QLTT vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, những sai phạm xảy ra vừa qua phải được nhìn nhận đúng, mỗi cán bộ phải cảm thấy đau lòng, đáng tiếc khi sự việc lại xảy ra với ngành mình để từ đó rút kinh nghiệm cho chính bản thân.

“Nếu không thẳng thắn nhìn nhận, không nhận ra cái sai, không kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh thì hậu quả nặng nề hơn, khắc phục khó khăn hơn. Chúng ta phải xây dựng được lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại trong thời gian tới, để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Bộ Công Thương”- Ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Trần Hùng- kiểm soát viên chính, nguyên Tổ trưởng Tổ 304 (nay là Tổ trưởng Tổ 1444), Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, 3 cán bộ Cục QLTT Hà Nội cũng bị khởi tố và bắt tạm giam vì vi phạm pháp luật.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, sau 3 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, Tổng cục QLTT đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, bổ nhiệm cán bộ toàn lực lượng, ổn định tư tưởng cho công chức, người lao động để tập trung hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Tính đến hết tháng 7/2021, đã bổ nhiệm chính thức 32 Cục trưởng, 25 quyền Cục trưởng và 6 phụ trách Cục. Đặc biệt, công tác bộ máy đã được tinh gọn, từ 681 đội QLTT, đến nay, cả lực lượng chỉ còn 376 đội QLTT (giảm 45%).

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đánh giá: “mô hình mới đã khắc phục được tình trạng cắt khúc theo địa giới hành chính; thực hiện quản lý tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương; phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước”.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh cũng thẳng thắn đánh giá, nhận thức QLTT chưa được đồng bộ, nhất quán trong toàn lực lượng; Chất lượng đội ngũ công chức chưa đồng đều; Công tác kiểm tra, giám sát nội bộ còn chưa nghiêm; Cùng với một số yếu tố khách quan như lực lượng mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng, có đội địa bàn 3-4 huyện, phương tiện chưa đủ. Hệ thống pháp luật còn trùng lặp, chưa đồng bộ.

Do đó, ông Trần Hữu Linh cho rằng: Đã đến lúc cần xác định lại khái niệm QLTT, mang tính giám sát cảnh báo, dự báo, kiểm tra cả khâu sản xuất. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ”.

Theo Cục trưởng Cục QLTT TP HCM Trương Văn Ba, cần xử lý dứt khoát, triệt để những hành vi vi phạm. “Trước kia, chúng ta xử lý không triệt để, không dứt khoát nên những sai phạm sau này càng lớn hơn. Do vậy, phải kiên quyết, không bao che, xử lý nghiêm để ngăn chặn các hành vi sai phạm”- ông Trương Văn Ba nói.