Bộ trưởng Công Thương họp khẩn chỉ đạo đảm bảo đủ xăng dầu trong nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, ở thời điểm hiện tại, đảm bảo nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Công Thương và kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung để phục vụ nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo không để thiếu xăng dầu trong mọi tình huống

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo không để thiếu xăng dầu trong mọi tình huống

Nguồn cung xăng dầu có thể giảm vào tháng 3-2022

Chiều 9-2, trước diễn biến giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp trực tiếp tại trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) kết hợp hình thức trực tuyến với các điểm cầu tại các địa phương và doanh nghiệp cung ứng xăng dầu để bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trong nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, buổi làm việc này diễn ra ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ở thời điểm hiện tại, toàn ngành Công Thương phải xác định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ hàng đầu và kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung để phục vụ nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, ngay tại cuộc họp này, phải tìm làm rõ được nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu khan hiếm và đề xuất được những giải pháp để giải tỏa.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2-2022. Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.

Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 13-3-2022. Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch).

Theo ông Trần Duy Đông, hiện Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20-2-2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.

Lượng bán xăng dầu ra thị trường của Petrolimex trong tháng vừa qua đã tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường. Ngoài ra, các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang tích cực triển khai việc ký kết, nhập khẩu xăng dầu.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, từ ngày 28-1-2022 đến nay, lực lượng QLTT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tại một số địa phương (Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang) có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân (không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động, nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao. Nguyên nhân là do các yếu tố về địa chính trị đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia sản xuất, khai thác dầu lớn ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu; nhu cầu xăng dầu phục hồi khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và các nước thay đổi phương thức ứng phó với dịch bệnh; các nước tăng các gói kích cầu làm ảnh hưởng đến lạm phát chung…

Tại Việt Nam, nguồn cung và giá cả cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường xăng dầu thế giới.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, nguồn cung xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn do những khó khăn về tài chính của nhà máy. Vì vậy, trên thị trường, có hiện tượng một số doanh nghiệp hạn chế bán hàng, một số cửa hàng ngừng bán hàng, giảm thời gian bán hàng do nguồn cung bị gián đoạn và tâm lý chờ tăng giá.

“Hiện tượng này nếu không được xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành, cung ứng xăng dầu cho thị trường, gây tổn hại cho chương trình phục hồi kinh tế”- ông Nguyễn Hồng Diên nói.

Lực lượng QLTT sẽ kiểm tra cây xăng 1-2 ngày/lần

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong giai đoạn sau Tết Nguyên đán và cả năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu: “Trong mọi tình huống không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu”.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 8-2-2022 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc bảo đảm nguổn cung xăng dầu.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm các quy định về duy trì cung ứng xăng dầu trong hệ thống và tại các cửa hàng bán lẻ, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; cam kết bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trong mọi tình huống.

Lực lượng QLTT sẽ phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất (với tần suất 1-2 ngày/lần) để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ trì thực hiện tổng kiểm tra, rà soát việc cung ứng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, có kế hoạch nhập hàng (từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu) để bảo đảm cung ứng đầy đủ, liên tục xăng dầu cho thị trường;

Trường hợp các doanh nghiệp không tuân thủ quy định, kiên quyết đình chỉ hoạt động từ 06 tháng trở lên hoặc tước giấy phép kinh doanh”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng giao các đơn vị trực thuộc phối hợp với Bộ ngành liên quan điều hành giá xăng dầu hợp lý, có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về nhập khẩu xăng dầu, hỗ trợ cho lưu thông xăng dầu để kịp thời cung ứng xăng dầu cho các địa bàn trên cả nước.

Đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thời giá hiện hành và thực tế chi phí phát sinh trong kinh doanh xăng dầu hiện nay nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu;

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam khẩn trương đàm phán, thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhằm bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo kế hoạch đã đăng ký;

Chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng công suất sản xuất để tăng nguồn cung xăng dầu thành phẩm cho thị trường; Làm việc với các Nhà máy sản xuất để công bố rõ kế hoạch, khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sả xuất trong nước cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo từng tháng cụ thể để các thương nhân đầu mối có kế hoạch đặt mua hàng từ nguồn nhập khẩu sớm, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường trong nước thời gian tới.