Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị giữ nguyên án tử hình tội nhận hối lộ

ANTĐ - Phát biểu tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (14-9) về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong Bộ Luật hình sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị vẫn nên giữ hình phạt tử hình với tội nhận hối lộ chứ không nên bỏ.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, về nội dung hạn chế hình phạt tử hình hiện có 3 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như dự thảo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) sáng nay, 14-9

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma túy; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; cướp tài sản; đầu hàng địch; chống mệnh lệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm.

Loại ý kiến thứ ba, ngoài các tội như đề xuất của Chính phủ, cần nghiên cứu bỏ hình phạt tử hình ở cả các tội khác như: Tham ô; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, vì thực tế việc xét xử các tội này rất ít.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị xem xét lại đề nghị vẫn giữ hình phạt thi hành án tử hình với tội nhận hối lộ vì đây là tội rất nghiêm trọng. “Còn tội tham ô tài sản cũng là tham nhũng nhưng có rất nhiều hình thức tham ô, bản chất khác nhau, đôi khi do quản lý không chặt chẽ cũng tạo điều kiện cho người ta tham ô nên có thể bỏ hình phạt tử hình hoặc nếu giữ tử hình thì cân nhắc quy định cụ thể hơn” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tán thành với quan điểm này nhưng yêu cầu nghiên cứu làm rõ khung hình phạt, trong đó phải quy định rõ định lượng nhận hối lộ bao nhiêu thì bị xử lý hình sự, và mức bao nhiêu thì bị xử tử hình ngay trong luật này.

Về quy định các trường hợp không thi hành án tử hình, qua thảo luận nhiều ý kiến nhất trí không thi hành án tử hình với 3 nhóm đối tượng gồm người phạm tội từ 75 tuổi trở lên, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến các tầng lớp nhân dân, đại diện các cơ quan, sở, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia luật đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố tham gia góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Báo cáo nêu rõ, sau khi lấy ý kiến, các ý kiến đều không đồng ý với quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội “tham ô tài sản, tội nhận hối lộ”.

Lý do vì tội “tham ô tài sản, tội nhận hối lộ” là những tội mang tính chất kinh tế nhưng là những tội trong nhóm tội phạm về chức vụ và tham nhũng cho nên cần phải thi hành án tử hình để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo tính răn đe riêng và phòng ngừa chung. Hơn nữa, việc không bỏ án tử hình về tội “tham ô tài sản, tội nhận hối lộ” cũng đồng thời sẽ loại bỏ được cách hiểu của người dân là dùng tiền để thoát án tử hình.