Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Sự thành bại của sự nghiệp đổi mới giáo dục phụ thuộc vào 1,3 triệu giáo viên

ANTD.VN - Trong không khí tưng bừng của hơn 22 triệu học sinh, sinh viên đón năm học mới trong lễ khai giảng ngày 5-9, Bộ trưởng Bộ -GD-ĐT nhắn nhủ, đổi mới giáo dục là quá trình, là liên tục và sự thành bại của sự nghiệp này phụ thuộc vào 1,3 triệu giáo viên trên cả nước.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, giáo dục Mầm non là 4,87 triệu học sinh; Giáo dục phổ thông là 15,7 triệu học sinh; Giáo dục TCCN là 315 nghìn sinh viên; giáo dục đại học, cao đẳng là 2,15 triệu sinh viên. Cả nước có khoảng 1,3 triệu giáo viên, giảng viên.

Năm học này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ thị toàn ngành giáo dục quán triệt phương hướng và tập trung triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp của năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo.

22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, những nhiệm vụ, giải pháp này không chỉ thực hiện trong năm học tới mà thực hiện lâu dài. Trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm. Quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới phụ thuộc vào khoảng 1,3 triệu thầy cô.

“Phần lớn các thầy cô tâm huyết với Ngành, nhưng hiện nay, chỉ tâm huyết chưa đủ mà phải có năng lực, kiến thức đủ tốt, đáp ứng được các chuẩn, quy chuẩn để dạy theo phương pháp tiếp cận năng lực” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học này, Bộ sẽ rà soát, hoàn thiện để ban hành các chuẩn giáo viên, chuẩn/tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn/tiêu chuẩn ban hành, theo đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn; xây dựng lộ trình tinh giản biên chế những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không có khả năng đạt chuẩn.

Bộ trưởng cho biết, năm nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý sẽ được tăng cường, đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo các cấp và các cơ sở đào tạo trực thuộc.

Trong 5 giải pháp, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giải pháp đột phá quan trọng là cơ chế, chính sách. Ngay trong năm học này, Bộ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế những văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giáo dục và liên quan đến ngành đang bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thường xuyên đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.