Bỏ Tổng cục Đường bộ, sáp nhập nhiều đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải từ tháng 10-2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáp nhập nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, "xóa" Tổng cục Đường bộ; Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử; Cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải... là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 10 tới.

Nghị định 56/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải. Theo cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải giảm từ 27 đầu mối xuống còn 23 đầu mối trực thuộc bộ, so với quy định trước đây.

So với hiện hành, hợp nhất Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, giải thể Vụ An toàn giao thông, sáp nhập Vụ Đối tác công - tư (PPP) vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư…

Đối với việc “xóa” Tổng cục Đường bộ, Tổng cục sẽ tách thành hai cục là Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam, để tăng đầu mối cấp Cục. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay.

Tổng cục Đường bộ sẽ tách thành hai cục là Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam

Tổng cục Đường bộ sẽ tách thành hai cục là Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam

Nghị định 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực thi hành từ 20-10.

Nghị định quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Nghị định này, danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay.

Danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay.

Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.

Nghị định 69/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.

Nghị định số 69/2022/NĐ-CP gồm 6 Điều, sửa đổi bổ sung 5 Nghị định quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 69/2022/NĐ-CP là yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, quy định của thủ tục hành chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và giảm bớt chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính.

Nghị định 69/2022 có hiệu lực từ thi hành từ 30-10.

Thông tư 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Theo đó, từ 1-10, Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau:

Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô…

Nguyên nhân là do các văn bản quy phạm pháp luật trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước.

Trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).