Bỏ thủ tục chấp thuận luồng tuyến xe khách: Doanh nghiệp làm sai, ai chịu trách nhiệm?

ANTĐ - Hà Nội hiện có hơn 500 tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh, trong đó phần lớn là xe của các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố lân cận đăng ký hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu bỏ chấp thuận luồng tuyến và tổ chức đấu thầu khai thác sẽ gây khó khăn cho quản lý Nhà nước vì không biết căn cứ vào đâu để quản lý doanh nghiệp vận tải.

Bỏ thủ tục chấp thuận luồng tuyến xe khách: Doanh nghiệp làm sai, ai chịu trách nhiệm? ảnh 1Không phải xin chấp thuận luồng tuyến, đơn vị nào sẽ giám sát nhà xe vi phạm?
Ảnh: THẦN THƯ

Quy hoạch nên gắn với thị trường

 

Sở GTVT Hà Nội cho biết, đối với hoạt động vận tải khách liên tỉnh, Hà Nội hiện kết nối với 42 tỉnh, thành phố trên cả nước với 540 tuyến vận tải của 404 đơn vị vận tải. Khối lượng vận chuyển hành khách hàng năm đạt trên 61 triệu lượt khách. Cũng bởi hoạt động xe khách nhộn nhịp nên việc quản lý rất phức tạp, đặc biệt là việc đảm bảo trật tự, ATGT khu vực xung quanh các bến xe, các tuyến xe khách hoạt động. 

Theo quy hoạch chi tiết được Bộ GTVT phê duyệt, phải bố trí luồng tuyến đến/đi từ các tỉnh, thành phố vào các bến xe Hà Nội theo nhu cầu và hướng tuyến cũng như tính kết nối với mạng lưới giao thông vận tải. Các tuyến theo QL1, QL1B vào bến xe Gia Lâm, các tuyến đi theo đường Hồ Chí Minh, QL6 vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng QL32, cầu Thăng Long vào bến Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng QL1, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát.

Hầu hết các bến xe hiện nay nằm trên các trục đường cửa ngõ ra vào Thủ đô nên thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc. Đặc biệt, do vận tải khách đã ở mức bão hòa nên tình trạng nhà xe chạy lòng vòng xung quanh bến để bắt khách vẫn diễn ra dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc. 

Ông Lưu Hồng Hoàng, Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội cho rằng, quy hoạch luồng tuyến phải căn cứ vào thị trường, tức là lượng khách đi lại trên tuyến. Quá nhiều doanh nghiệp cùng tham gia khai thác trên một luồng tuyến sẽ dẫn đến cung vượt cầu. “Với mỗi nốt xe khách trong bến quy định 15 phút như hiện nay, nhiều khi xe xuất bến rất ít khách, thậm chí không có khách, rất dễ xảy ra tình trạng xe chạy lòng vòng. Có thể xem xét kéo dài thời gian xe ở bến lên 30 phút, hành khách không phải đợi lâu mà xe cũng đủ khách, không phải bắt khách dọc đường”, ông Lưu Hồng Hoàng kiến nghị.

Nên xem xét thận trọng

Số liệu từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, hiện có 3.228 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, 1.238 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh với 22.633 phương tiện, tập trung nhiều ở khu vực đồng bằng sông Hồng và miền Trung. Đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ (42% đơn vị có 5 xe trở xuống, 14% có 6-10 xe, 34% có từ 11-50 xe, chỉ có 8% có trên 50 xe và 2% có trên 100 xe).

Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải năng lực quản trị kém, chất lượng dịch vụ chưa cao. Bởi vậy, nên hoạt động vận tải khách được đánh giá là phức tạp và thường xuyên xảy ra mất trật tự, ATGT. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành khách, đi sai luồng tuyến… thường xuyên diễn ra.

Do đó, việc bỏ thủ tục chấp thuận luồng tuyến khiến nhiều người lo ngại về việc sẽ không quản lý được hoạt động vận tải. Theo lý giải của Bộ GTVT, chấp thuận luồng tuyến chính là xin-cho, dễ gây phiền hà cho doanh nghiệp. Nhưng hầu hết các Sở GTVT đều cho rằng, việc bỏ chấp thuận 2 đầu tuyến sẽ gây khó khăn cho quản lý Nhà nước. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, thời gian tổ chức đấu thầu theo quy định có thể còn kéo dài hơn so với thủ tục chấp thuận luồng tuyến hiện nay, đó còn chưa kể, sau công bố kết quả trúng thầu có thể xảy ra kiện cáo.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, vận tải khách liên tỉnh hiện rất phức tạp, do đó, cần xem xét một cách thận trọng việc bỏ chấp thuận luồng tuyến. “Không có chấp thuận luồng tuyến thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm, đơn vị nào sẽ cấp phù hiệu tuyến cố định, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm khi doanh nghiệp làm sai?”, ông Bùi Danh Liên đặt vấn đề.

Lãnh đạo Hiệp hội vận tải Hà Nội dẫn chứng, trước đó, ngành GTVT cũng đã quy định giao quyền cho các bến xe được chấp thuận luồng tuyến. Kết quả đã dẫn đến tình trạng lộn xộn, không thể quản lý được doanh nghiệp vận tải. Ông Bùi Danh Liên nói: “Không nên bỏ chấp thuận luồng tuyến 2 đầu, vì nếu bỏ sẽ không có cơ sở để quản lý. Nên tập trung vào việc giảm thủ thục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý. Bộ GTVT cần lắng nghe ý kiến của nhiều bên trước khi quyết định”. Ông  Bùi Danh Liên cũng cho rằng, chính sách muốn đi vào cuộc sống phải phù hợp với thực tế và có tính khả thi, nếu không sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.