Thủy tùng và nguy cơ tuyệt chủng (2):

Bó tay nhìn thủy tùng biến mất?

ANTĐ - Trước đây, thủy tùng được phân bố rộng rãi ở châu Âu và châu Á, nhưng hiện nay chỉ còn tồn tại ở Việt Nam và Trung Quốc.

LÀM GÌ ĐỂ CỨU THỦY TÙNG

Thủy tùng còn có các tên gọi khác, như: thông nước (Việt Nam), Water Pine (Anh), Shui Song (Trung Quốc), thuộc loài cây lá kim, thân gỗ. Trước đây, thủy tùng được phân bố rộng rãi ở châu Âu và châu Á, nhưng hiện nay chỉ còn tồn tại ở Việt Nam và Trung Quốc, với những khu bảo tồn nhỏ, số lượng không đáng kể và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Thủy tùng thường sinh trưởng ở vùng đất đầm lầy có độ cao 550-750 m, thân to, cây trưởng thành cao hơn 20 m, đường kính gốc có thể lên tới hơn 1m, vân gỗ đẹp, gỗ chịu nước, có mùi thơm nên thường được dùng chế tác đồ mỹ nghệ, đóng thuyền và làm cầu. Vỏ, cành, lá và nón thủy tùng có chứa ta-nin nên có thể chiết xuất làm thuốc giảm đau, săn da và chữa bệnh phong thấp.
Thủy tùng có giá trị kinh tế và khoa học, và có tên ghi trong Sách đỏ Việt Nam, được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, là một trong 10 loài thông được ưu tiên bảo tồn. Nghị định 32/2006/NĐ-CP về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, thủy tùng được xếp vào nhóm Ia, nghiêm cấm chế biến kinh doanh vì mục đích thương mại. Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố thủy tùng là một trong những loài cây bị săn lùng ráo riết nhất ở cấp độ “rất nguy cấp”.

219 cây thủy tùng tại khu bảo tồn Ea Ral, huyện Ea H’leo
có nguy cơ chết do ngập nước hồ thủy lợi và  bị lâm tặc tấn công

Hiện tại, ở nước ta, Đắc Lắc là tỉnh duy nhất còn lại hai khu bảo tồn thủy tùng. Theo điều tra mới đây của Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc về thủy tùng, cho thấy: Tại huyện Ea H’leo, thủy tùng chỉ còn 219 cây trong khu bảo tồn Ea Ral với diện tích 50 ha; tại huyện Krông Năng còn 31 cây trong khu bảo tồn Trấp Ksơ với diện tích 100 ha.
Tại các khu bảo tồn Ea Ral, và Trấp Ksơ, tỉnh Đắc Lắc đã cho thành lập các Trạm Quản lý bảo vệ thủy tùng, thậm chí với những cá thể thủy tùng nằm rải rác ngoài khu bảo tồn, chính quyền địa phương còn thuê các hộ dân có nhà ở gần các cá thể thủy tùng, tham gia bảo vệ từng cá thể, với chi phí khá tốn kém, nhưng thủy tùng vẫn bị đốn hạ trái phép. Công việc điều tra, nghiên cứu quá trình sinh trưởng, cũng như công tác bảo tồn thủy tùng được nhóm các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện từ năm 2007.

Mặc dù đã nghiêm cấm, nhưng gỗ thủy tùng vẫn bị trục vớt và bày bán công khai
quanh hồ thủy lợi Ea Ral, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo

Kết quả nghiên cứu cho thấy, thủy tùng hiện còn trong các khu bảo tồn Ea Ral và Trấp Ksơ là quần thể nhỏ với mật độ 40-50 cây/1.000 m2 nên không thể thụ phấn được, vì vậy hạt thủy tùng không thể nảy mầm; các quần thể thủy tùng đã và đang bị thoái hoá. Nhất là tại khu bảo tồn Ea Ral, do xây dựng hồ thủy lợi nên đã làm thay đổi môi trường nước-nước ngập quanh năm, nên không phù hợp quá trình sinh trưởng của thủy tùng. Vì vậy, hiện 219 cây thủy tùng đang còn sống ở khu bảo tồn này có nguy cơ bị chết dần, rất khó bảo tồn.

Riêng khu bảo tồn Trấp Ksơ, sự tác động về địa hình, thủy văn không lớn, nên số cây thủy tùng còn lại khá khoẻ, tán rộng, thân cây lớn có khả năng bảo tồn được. Tuy nhiên, ở cả hai khu bảo tồn thủy tùng Ea Ral và Trấp Ksơ, nếu công tác bảo vệ không tốt, để xảy ra tình trạng chặt phá, thì thủy tùng bị tuyệt chủng là khó tránh khỏi.

Về công tác nhân giống thủy tùng, Thạc sỹ Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đồng thời là chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu đặc đểm sinh học, sinh thái và nhân giống, bảo tồn thủy tùng tại Việt Nam” cho biết, qua nghiên cứu có thể khẳng định: Thủy tùng nhân giống được bằng các phương pháp như “dâm hom”, “cấy mô” và “ghép gốc”. Kết quả thí nghiệm cho thấy phương pháp dâm hom có 17% ra rễ, nhưng khi trồng thì tỷ ệ chết cao; phương pháp cấy mô, cây tạo chồ tốt, nhưng tìm môi trường ra rễ lại khó; còn phương pháp ghép gốc với cây có hệ di truyền gần gống thủy tùng (cụ thể là cây bụt mọc, hạt bụt mọc được mua tại Mỹ) cho kết quả khả quan với tỷ lệ sống hơn 70%.

Tuy nhiên, cũng theo Thạc sỹ Trần Vinh, những kết quả trên mới chỉ là nghiên cứu ban đầu, thực hiện trong phòng thì nghiệm và tại vườn ươm. Để tiến hành thành công việc bảo tồn thủy tùng, Nhà nước cần phải có dự án tương đối lớn, đầu tư toàn diện cả cho công tác nghiên cứu và công tác bảo tồn, nhất là bảo tồn cho được những quần thể gốc thì mới cứu vãn được thủy tùng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đối với tỉnh Đắc Lắc, trước mắt phải bảo vệ tốt những cá thể thủy tùng hiện còn trong các khu bảo tồn, không để thủy tùng bị chặt hạ, ngăn chặn cho được tình trạng mua bán, vận chuyển gỗ thủy tùng cũng như việc chế tác, mua bán, sử dụng đồ mỹ nghệ từ gỗ thủy tùng.