Bộ Tài chính nói gì về giải pháp tạm đóng cửa thị trường chứng khoán trong giai đoạn dịch bệnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Quan điểm điều hành của Bộ Tài chính với thị trường chứng khoán hiện nay là phải đảm bảo thị trường hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, minh bạch, tôn trọng quy luật quan hệ cung cầu, hạn chế tối đa can thiệp hành chính và kỹ thuật vào thị trường. Trong trường hợp cần thiết, có thể xem xét áp dụng giải pháp kỹ thuật, bao gồm điều chỉnh biên độ dao động giá, tạm ngừng giao dịch.

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) về những kiến nghị hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Bộ Tài chính cho biết trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, với những tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, Bộ Tài chính đã có một số văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp điều hành TTCK.

Theo đó, Bộ Tài chính nhận thấy về cơ bản Chính phủ và các cơ quan quản lý TTCK trên thế giới cho rằng, các giải phát kỹ thuật can thiệp vào TTCK không giúp ngăn đà giảm giá của thị trường, mà còn có thể gây ra các tác động tiêu cực tới lòng tin của nhà đầu tư.

Do vậy, hầu hết cơ quan quản lý TTCK các nước chưa đưa ra các động thái can thiệp kỹ thuật, thay vào đó, sự khẳng định duy trò hoạt động thông suốt, an toàn và minh bạch của TTCK trong giai đoạn dịch là ưu tiên hàng đầu.

Vì vậy, quan điểm điều hành của Bộ với TTCK hiện nay là phải đảm bảo thị trường hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, minh bạch, tôn trọng quy luật quan hệ cung cầu, hạn chế tối đa can thiệp hành chính và kỹ thuật vào thị trường.

Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý có thể xem xét áp dụng các giải pháp kỹ thuật, bao gồm điều chỉnh biên độ dao động giá, tạm ngừng giao dịch (đóng cửa thị trường).

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính có thể xem xét các giải pháp can thiệp kỹ thuật vào thị trường chứng khoán

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính có thể xem xét các giải pháp can thiệp kỹ thuật vào thị trường chứng khoán

Cụ thể, với giải pháp điều chỉnh biên độ dao động giá, Bộ Tài chính cho biết cơ chế này hiện nay ít phổ biến trên thế giới do phần lớn các nước áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động. Tại Việt Nam, cơ chế này đã từng được áp dụng một số lần trong các giai đoạn biến động của thị trường, gần đây nhất là vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

“Biện pháp siết biên có tác dụng như giải pháp "cấp cứu" thị trường, nhằm chặn ngay đà giảm giá. Tuy vậy, hiệu quả biện pháp này không duy trì được lâu, chỉ là giải pháp ngắn hạn, hầu như không có tác dụng trong việc chặn xu thế giảm điểm của thị trường” – Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ cuối tháng 1 đến tháng 4/2020, TTCK mặc dù giảm điểm mạnh, song khác với giai đoạn 2008, ngay cả những phiên giảm điểm mạnh nhất thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức tốt (6.000 tỷ đồng/phiên).

“Điều đó có nghĩa là thị trường vẫn còn lực cầu tốt, sẵn sàng giải ngân bắt đáy khi có cơ hội. Trong thời gian vừa qua, thị trường đang có diễn biến phục hồi. Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng chưa cần thiết phải điều chỉnh biên độ giá trong bối cảnh TTCK Việt Nam có diễn biến tương đối đồng pha với TTCK thế giới, tuy nhiên sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để cân nhắc áp dụng khi thực sự cần thiết” – cơ quan quản lý cho biết.

Đối với giải pháp tạm ngừng giao dịch (đóng cửa thị trường), theo Bộ Tài chính, đây là biện pháp mang tính cực đoan, chỉ áp dụng trong trường hợp rất đặc biệt. Vừa qua, cơ quan quản lý TTCK Philippines thông báo đóng cửa TTCK ngày 17/3/2020 với lý do dịch bệnh (phong tỏa toàn bộ khu vực). Song trước sức ép lớn của nhà đầu tư, TTCK nước này lại tiếp tục mở cửa trở lại sau 2 ngày.

Tại Việt Nam, gần đây nhất, Bộ Tài chính đã cho phép ngừng giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong ngày 23 - 23/1/2018 do sự cố về hệ thống giao dịch.

Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng tình hình thị trường vẫn diễn biến trong phạm vi kiểm soát, chưa cần thiết phải áp dụng biện pháp mạnh. Việc áp dụng không giúp ngăn chặn đà giảm giá của TTCK mà còn có thể gây ra các tác động tiêu cực đối với lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường. Do vậy, duy tri sự hoạt động thông suốt, an toàn và minh bạch của TTCK trong giai đoạn dịch bệnh vẫn sẽ được cơ quan quản lý ưu tiên tại thời điểm hiện nay.