"Bỏ sổ hộ khẩu là thay đổi tích cực, phù hợp xu thế chung"

ANTD.VN - “Phương thức quản lý mới về dân cư góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư; cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các giao dịch dân sự, thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước khi giao dịch với người dân”, đại biểu Quốc hội Triệu Thị Huyền nhấn mạnh.

Đại biểu Triệu Thị Huyền 

Chiều 16-6, thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) đánh giá việc thay đổi phương thức quản lý dân cư mới, bỏ cuốn sổ hộ khẩu đã tồn tại suốt 70 năm qua thay bằng mã số định danh cá nhân, là sự thay đổi tích cực, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, xu hướng chung của thế giới.

“Phương thức quản lý mới về dân cư góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư; cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các giao dịch dân sự, thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước khi giao dịch với người dân”, bà Huyền nhấn mạnh.

Góp ý xây dựng dự luật, nữ đại biểu Yên Bái cho rằng để đảm bảo thuận lợi cho việc triển khai dự án luật khi luật có hiệu lực thi hành, cần có lộ trình tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân mà Bộ Công an đang triển khai. 

“Trong quá trình đó cần tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu đối với các trường hợp chưa có mã số định danh cá nhân, đảm bảo các giao dịch của người dân diễn ra bình thường”, bà Huyền đề nghị.

Ủng hộ việc bỏ phương thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu chuyển sang mã số định danh cá nhân, tuy nhiên đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) đề nghị cần có lộ trình, đồng bộ vì nếu không sẽ gây khó cho cả nhà nước và người dân, bởi theo báo cáo, sau 4 năm mới chỉ hoàn thành cấp mã số định danh cá nhân cho 18 triệu công dân, còn khoảng 80 triệu công dân trong khi mốc thời gian đề ra để hoàn thành là tháng 12-2020.

“Với tiến độ này e là khó khả thi. Nếu không thực hiện đúng tiến độ thì việc quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị giao dịch pháp luật từ ngày 1-7-2021 như dự thảo luật có thể gây ách tắc, xáo trộn ”, ông Đức băn khoăn và đề nghị dự luật cần xem xét lộ trình thực hiện, trong đó có giai đoạn quản lý điện tử không cấp mới nhưng vẫn công nhận giá trị sử dụng của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và xác lập các giao dịch quan hệ của công dân trong thời gian nhất định. 

Cùng băn khoăn trên, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) đề nghị việc thay đổi phương thức quản lý cần có lộ trình, đảm bảo hạn chế tối đa việc xáo trộn đối với người dân. 

“Những chỗ nào đủ điều kiện ta cho làm trước, có tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tế với từng địa phương, khu vực. Bởi nếu triển khai trên toàn quốc ngay mà thực hiện không hiệu quả phải quay trở lại cách làm cũ sẽ tốn kém hơn rất nhiều, tác động tới lớn tới đời sống xã hội”, bà Dung góp ý.

Đại biểu Bế Minh Đức cũng nhất trí bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú thành phố trực thuộc trung ương như hiện nay, nhằm đảm bảo tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân.

“Tuy nhiên, cần có quy định để đảm bảo việc đáp ứng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại các thành phố lớn. Vì vậy, tối nhất trí với dự thảo luật quy định đảm bảo điều kiện diện tích bình quân theo quy định của HĐNĐ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”, ông Đức nói. 

Cùng quan điểm ủng hộ dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, bỏ các điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương, bên cạnh đảm bảo quyền công dân thì còn có ý nghĩa về mặt kinh tế.

“Một số quốc gia khuyến khích nhập cư vào nếu có các dự án đầu tư. Nếu các thành phố trực thuộc trung ương có các điều kiện về đảm bảo cư trú, nhà ở… sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước”, ông Hồng nói và cho rằng việc phát sinh các điều kiện đảm bảo an ninh, văn hoá, giáo dục… là tất yếu, song chúng ta cũng đang thảo luận tạo cơ chế đặc thù cho các thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có thể cân nhắc cả vấn đề này.