Bỏ quốc tịch để... trốn thuế

ANTĐ - Dư luận nước Pháp đang um xùm câu chuyện về tỷ phú Bernard Arnault - người giàu nhất nước Pháp và châu Âu, giàu thứ 4 thế giới xin nhập quốc tịch Bỉ. Đây là trường hợp đầu tiên mở màn một làn sóng những nhân vật có thu nhập trên 1 triệu Euro/năm tại Pháp tìm cách chuyển ra nước khác hoặc đổi quốc tịch để trốn mức thuế 75% mà Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande sẽ áp dụng. 

Tỷ phú Bernard Arnault, 63 tuổi, là người đứng đầu đế chế khổng lồ LVMH với những tên tuổi hàng đầu về thời trang và mỹ phẩm như: Louis Vuitton, Moët, Hennessy, Kenzo, Givenchy, Dior, Bulgaria… sở hữu những tập đoàn phân phối nổi tiếng tại Pháp như Le Bon Marché, Sephora… Với tài sản 41 tỷ USD, ông là người giàu nhất nước Pháp và châu Âu, đứng thứ 4 trên thế giới (theo tạp chí xếp hạng của Mỹ, Forbes).

Khi người giàu Pháp từ chối quốc tịch

Theo mức thuế mới mà Tổng thống Pháp sẽ áp dụng, trường hợp tỷ phú Bernard Arnault, năm 2011, ông này tuyên bố thu nhập 10,7 triệu euro, có nghĩa là ông sẽ phải đóng thuế 75% cho phần thừa 9,7 triệu. Theo luật của Pháp, nếu một người dân - gồm cả người hai quốc tịch sống nhiều hơn 183 ngày trên đất Pháp, phải đóng thuế và do đó, chỉ cần ông Bernard Arnault sống tại Pháp ít hơn khoảng thời gian này, ông có thể sẽ không phải mất một khoản tiền khổng lồ!

Việc vị tỷ phú hàng đầu rời bỏ quốc tịch Pháp còn có thể dẫn đến những hậu quả khủng khiếp nếu trong tương lai ông Bernard Arnault kéo theo cả đế chế thời trang - mỹ phẩm - phân phối và cả truyền thông của mình cùng đi. Ông Arnault bỏ quốc tịch Pháp với ý định từ bỏ những nghĩa vụ thuế khóa ở Pháp để chuyển sang đóng thuế ở Bỉ. 

Cho dù ông Arnauld khẳng định với Hãng tin AFP ông không có ý định trốn trách nhiệm với đất nước, hay thể hiện một tuyên bố chính trị chống lại kế hoạch của ông Hollande. Tuy nhiên, lời nói của Arnauld sẽ khó có thể thuyết phục  bởi ông đã có lịch sử "bỏ trốn" khỏi Pháp mỗi khi khung cảnh chính trị trong nước không "hợp khẩu vị" với mình.

Sau khi Tổng thống Francois Mitterrand của Đảng Xã hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 1981, Arnault đã tới sống ở Mỹ trong 3 năm. Ông chỉ trở về khi Chính phủ triển khai các chính sách kinh tế mang màu sắc bảo thủ hơn. Còn lâu nay Arnault đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch đánh thuế người giàu của ông Hollande, nên việc ông muốn đào tẩu cũng không có gì khó hiểu, khi Tổng thống tỏ ra kiên định với chương trình của mình. Arnauld  muốn nhập quốc tịch Bỉ do môi trường tài chính cho các tỷ phú ở Bỉ dễ thở hơn Pháp, với mức thuế thấp hơn nhiều. Ngoài ra không như Pháp, Bỉ không đánh thuế gia sản.

Một số nhà quan sát còn phỏng đoán việc xin quốc tịch Bỉ chỉ là bước đi đầu tiên, trước khi Arnault dọn hẳn tới sống ở thiên đường Monaco, nơi không đánh thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp thuộc loại thấp nhất thế giới.

Hiện công dân Pháp ở Monaco vẫn có nghĩa vụ pháp lý trong việc đóng thuế về Pháp. Nhưng nếu Arnault từ bỏ quyền công dân Pháp và chỉ giữ lại quốc tịch Bỉ, ông sẽ không còn bị ràng buộc bởi quy định trên nữa.

Dù Arnault đã phủ nhận ý định trốn trách nhiệm đóng thuế, búa rìu đã thi nhau giáng xuống ông. Tờ nhật báo Liberation đã giật tít lớn Biến đi, gã nhà giàu ngu dốt trên trang nhất số báo ra ngày 10-9. “Ngay cả khi ông ấy bác tin mình sẽ đi sống lưu vong vì động cơ tài chính, đề nghị xin quốc tịch Bỉ của Bernard Arnault vẫn chứng tỏ mình là điển hình của sự ích kỷ" - Liberation viết.

Người Mỹ cũng tìm tới thiên đường né thuế 

Báo chí quốc tế mới đây cũng xôn xao chuyện người đồng sáng lập mạng xã hội Facebook, anh Eduardo Saverin, xin từ bỏ quốc tịch Mỹ và cư trú dài hạn ở Singapore nhằm tránh thuế suất thuế thu nhập cao ngất ngưởng ở Mỹ.

Saverin chỉ là một cá thể trong làn sóng những người giàu có mang quốc tịch Mỹ xin từ bỏ quốc tịch này với mục đích “né” thuế. Trong bối cảnh nợ công gia tăng ở Mỹ và châu Âu, các quốc gia này tìm cách thu thuế triệt để nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách. Thực tế này có tác động không nhỏ tới tầng lớp giàu có.

Dù Mỹ chưa phải là nước nằm trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có mức thuế thu nhập cao nhất thế giới nhưng hiện nay, thuế suất thuế thu nhập cá nhân cao nhất ở Mỹ là 35%. Hãng tin CNBC dẫn số liệu từ Hãng Kiểm toán KPMG cho hay, Mỹ mới chỉ đứng thứ 23 trong tổng số 96 quốc gia được hãng này điều tra về thuế thu nhập cá nhân.

Mỹ, quốc gia duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh thuế công dân cho dù họ cư trú ở đâu. Ngoài ra, công dân Mỹ còn đang đối mặt với những quy định ngặt nghèo hơn về kê khai tài sản theo đạo luật về đánh thuế vào tài khoản ở nước ngoài (FATCA) có hiệu lực từ năm 2013. Bởi vậy, ngày càng có nhiều người trong số 6 triệu người Mỹ sống ở nước ngoài cân nhắc việc nên hay không nên tiếp tục giữ hộ chiếu Mỹ để tìm đến các "thiên đường thuế" ở nước ngoài. Theo Hãng tin Bloomberg cho hay, đã có khoảng 1.780 người Mỹ sống ở nước ngoài đến Đại sứ quán Mỹ xin từ bỏ quốc tịch trong năm 2011, so với 235 người trong năm 2007.

Trường hợp ồn ào nhất có lẽ là việc Eduardo Saverin, nhà tỷ phú đồng sáng lập Facebook, đã thông báo sẽ từ bỏ quốc tịch Mỹ để tránh một số khoản thuế “khủng” ngay trước ngày Facebook IPO. Với kế hoạch IPO lần này, Facebbok, mạng xã hội lớn nhất thế giới với giá trị 96 tỷ USD, có kế hoạch tăng vốn thêm 11,8 tỷ USD. 

Saverin, năm nay 30 tuổi, sở hữu 3,84 tỷ USD, ghi danh vào danh sách những người có nguyện vọng xin từ bỏ quốc tịch Mỹ để né khoản thuế đánh lên những người có thu nhập cao ở Mỹ dự kiến sẽ có thể tăng rất cao. Sinh ra ở Brazil, hiện sống tại Singapore, Saverin là một trong số ít người đã cùng Mark Zuckerberg sáng lập Facebook từ những ngày còn học tại Harvard. "Eduardo thấy việc trở thành công dân Singapore thực tế hơn và kinh tế hơn từ khi sống ở Singapore suốt trong một thời gian dài không xác định", Tom Goodman, phát ngôn viên của Saverin cho biết. Mức thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ cao hơn tại Singapore rất nhiều.

Được biết, ngoài việc giảm được thuế dành cho người thu nhập cao, quyết định này của Saverin cũng giúp Saverin tránh được các loại thuế đánh vào lãi vốn, có thể phát sinh từ những khoản đầu tư trong tương lai của Saverin. Ở Singapore chưa có quy định loại thuế này. Hiện tại Eduardo Saverin đầu tư vào những công ty công nghệ mới thành lập, như Qwiki, Jumio. Jumio với sản phẩm chi trả qua mạng Netswipe khá có tiếng trên thị trường.

Eduardo Saverin cũng là một trong 8 người xuất hiện lần đầu trong danh sách 40 người giàu nhất Singapore năm 2012. Tổng tài sản của 40 người này là 59,4 tỷ USD, tăng 9% so với 54,4 tỷ USD của 40 người giàu nhất Singapore năm 2011, theo xếp hạng của Forbes Asia. Đứng đầu danh sách người giàu của Đảo quốc sư tử năm nay là anh em Robert và Philip Ng, con của nhà sáng lập Tập đoàn bất động sản Far East Organization - Ng Teng Fong - người đã qua đời năm 2010 ở tuổi 82. Hai anh em nhà họ Ng có tổng tài sản trị giá 9,2 tỉ USD, sở hữu nhiều khách sạn, tòa nhà thương mại ở nhiều nước châu Á, với tổng doanh thu chừng 5,5 tỉ USD/năm.

Nếu Saverin thành công trong việc từ bỏ quốc tịch để né thuế, thì anh sẽ trở thành người siêu giàu đầu tiên tại Mỹ làm được như vậy. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của hai nhà kinh tế học châu Âu, hiện tượng bỏ quốc tịch để né thuế vẫn xảy ra tràn lan. Tổng giá trị các tài khoản ngân hàng không phải đóng thuế trên thế giới năm 2007 là 2,7 nghìn tỷ USD và năm 2011 cũng gần như vậy. Nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng, thay vì xén được một phần tài sản của giới siêu giàu để nộp thuế, các hiệp ước quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng đó, càng khiến họ cuống cuồng chuyển tài sản của mình sang nơi trốn thuế khác an toàn hơn. 

Trong một diễn biến khác, để khuyến khích các vận động viên, Ủy ban Olympic Mỹ đã treo thưởng 25.000 USD cho một huy chương vàng, 15.000 cho huy chương bạc và 10.000 cho huy chương đồng. Hiệp hội Vật Mỹ cũng thưởng 250.000 USD cho huy chương vàng. Mức thưởng của Hiệp hội Đua xe đạp là 100.000 USD. Tuy nhiên, theo luật pháp của Mỹ khoản tiền này lại được coi là thu nhập chịu thuế tới 35%. Vì vậy, tiền thưởng cho một huy chương vàng năm nay có thể bị đánh thuế 8.750 USD. Thêm vào đó, giá trị của chính những chiếc huy chương cũng được tính thuế với 236 USD cho huy chương vàng, 135 USD cho huy chương bạc và đồng là 2 USD. 

Bởi vậy, khi đưa dự Luật Miễn thuế Olympic trình lên Quốc hội Mỹ, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio đã đề xuất không đánh thuế các vận động viên đạt huy chương ở Đại hội Olympic năm nay. Ông nói: “Hệ thống thuế của chúng ta quá phức tạp và nặng nề. Tôi thấy nó như trừng phạt thành công của người ta thì đúng hơn. Và thuế áp lên các nhà vô địch Olympic là một ví dụ điển hình cho sự điên rồ này. Họ đại diện cho đất nước đi tranh tài, chúng ta không nên làm họ nhụt chí vì khoản thuế khổng lồ ở quê nhà mới đúng”. 

Bỏ quốc tịch để... trốn thuế ảnh 2
Tỷ phú Eduardo Saverin - người đồng sáng lập mạng xã hội Facebook

Một buổi lễ từ bỏ quốc tịch Mỹ kéo dài 10 phút. Người từ bỏ quốc tịch sẽ phải trả một khoản phí 450USD và phải đóng thuế nếu tài sản vượt quá 2 triệu USD hoặc mức thuế trung bình mà họ phải nộp cho thuế vụ Mỹ mỗi năm vượt 151.000USD trong 5 năm qua. Trong vòng 3 tháng sau đó, người xin bỏ quốc tịch Mỹ sẽ nhận được giấy chứng nhận về việc họ không còn là công dân Mỹ. Thế nhưng số người Mỹ giàu có từ bỏ địa vị công dân Mỹ tăng gấp 7 lần kể từ khi ngân hàng khổng lồ UBS của Thụy Sĩ bị phanh phui chuyện giúp khách hàng ngoại quốc trốn thuế cách đây 4 năm.