Bỏ phiếu tín nhiệm: Động tác đơn giản, ý nghĩa quan trọng

ANTĐ- Sáng nay (10-6), Quốc hội đã thông qua danh sách 47 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm với 95,58% số phiếu tán thành.

Bỏ lá phiếu tín nhiệm, hành động tuy đơn giản song ý nghĩa rất quan trọng

Báo cáo trước cuộc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu, phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao theo chức năng về công tác nhân sự và trên nghị trường quốc tế cũng chưa nước nào làm như vậy. Với chức năng, quyền hạn của mình, các đại biểu sẽ thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện nhiệm vụ hệ trọng là đánh giá tín nhiệm với các chức danh này.

Nhấn mạnh việc Quốc hội sẽ cân nhắc khách quan, công tâm, chính xác trong đánh giá, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết có các căn cứ để đánh giá việc bỏ phiếu. 

Thứ nhất là nghiên cứu báo cáo tự đánh giá về kết quả hoạt động, phẩm chất, đạo đức, lối sống của các vị được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi đến các đại biểu trước 20 ngày. Thứ hai là căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước để từ đó đánh giá lại kết quả hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, của các vị được bầu, phê chuẩn nói riêng.

Căn cứ thứ ba là thông qua việc tiếp xúc cử tri, giám sát các hoạt động bộ máy, chất vấn, báo cáo... Và, căn cứ cuối cùng quan trọng nhất, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, đó là đánh giá của bản thân của mỗi đại biểu dựa trên sự khách quan, thận trọng, chính xác và tính lịch sử trong xem xét. “Việc bỏ lá phiếu, tuy hành vi, động tác đơn giản nhưng ý nghĩa quan trọng. Đại biểu Quốc hội khách quan, công tâm sẽ có đánh giá chính xác. Tôi tin tưởng Quốc hội sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo các điều kiện để lấy phiếu tín nhiệm (do Quốc hội bầu, phê chuẩn; thời gian làm việc trên dưới 1 năm...), tại kỳ họp Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 47/49 chức danh. Hai trường hợp là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn sẽ không lấy phiếu tín nhiệm do mới được Quốc hội bầu.

Trong buổi sáng nay, Quốc hội thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm, buổi chiều cùng ngày Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn, bầu ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Sáng mai (11-6) kết quả kiểm phiếu được công bố và Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Tin cùng chuyên mục