Bỏ mạng vì áp lực mưu sinh

ANTĐ - Ngày càng không hiếm các trường hợp đột tử vì làm việc quá sức ở lao động trẻ tuổi và trung niên tại Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới và được đánh giá có nguồn cung lao động dồi dào. Theo truyền thông Trung Quốc, nước này đã vượt Nhật Bản với hơn 600.000 người chết vì làm việc quá sức mỗi năm.

Mức lương cao khiến nhiều người đánh đổi sinh mạng

Đột tử sau 8 tháng đi làm

Những người chết vì làm việc quá sức, trong tiếng Nhật được gọi là “Karoshi”. Từ “Karoshi” xuất hiện tại Nhật Bản vào khoảng những năm 1970, thời kỳ kinh tế nước này phát triển với tốc độ cao. Phần lớn những người này trước khi chết khoảng 1 tuần đều chịu áp lực tâm lý lớn hoặc đã lao động quá sức trong thời gian dài. Hiện nay, từ “Karoshi” đã trở thành từ phổ biến tại Trung Quốc. Trong một điều tra được thực hiện vào năm 2012 trên 1.000 người làm việc văn phòng ở 7 thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Dương,..., 2/3 người được phỏng vấn cho rằng tình trạng sức khỏe của họ khá tệ. Nguyên nhân đầu tiên được nêu ra là do căng thẳng trong công việc.

Trường hợp đột tử vì lao động quá sức mới đây nhất ở Trung Quốc là cái chết của một thanh niên 24 tuổi ở tỉnh An Huy. Năm 2013, Lý Triết, một nhân viên kỹ thuật, đã tử vong sau khi làm việc liên tục 12 tiếng trong điều kiện nhiệt độ cao. Được biết, Lý Triết làm tại Công  ty TNHH phụ tùng ô tô Scherdel An Khánh (ASP) với mức lương 3.500NDT. Do áp lực công việc lớn, Lý Triết từng muốn thôi việc nhưng gia đình cậu cực lực phản đối vì mức đãi ngộ cao. Bạn của Lý Triết cho biết, Lý Triết thường làm việc 12 tiếng/ngày và thức đêm như cơm bữa. Thời điểm bận rộn, 1 tháng Lý Triết chỉ được nghỉ một ngày. “Con trai tôi chắc chắn làm việc quá sức nên tử vong, ngày hôm đó nó bị say nắng, nhưng xưởng vẫn yêu cầu phải tăng ca” – mẹ của Lý Triết cho biết. Cái chết của cậu thanh niên cao 1m8 sau 8 tháng đi làm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với những người “nghiện” công việc hoặc bị khủng hoảng tâm lý trước áp lực công việc trong xã hội Trung Quốc hiện đại.

Chết vì lao động quá sức tại Trung Quốc đã từng xảy ra ở nhiều ngành nghề. Năm 2004, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn Quân Dao với quy mô tài sản kinh doanh là 2,5 tỷ NDT, ông Vương Quân Dao đã qua đời vì bệnh ung thư trực tràng khi mới 38 tuổi. Người thân cho biết, ông ta chết vì kiệt sức. Năm 2008, trên trang mạng Sina đăng một bài viết có tựa đề “Công nhân xưởng may nghi ngờ vì làm việc quá độ nên đột tử trong khi ngủ”. Trong bài viết này, một công ty may mặc ở thị trấn Tân Đường, tỉnh Quảng Châu không được nêu rõ, chỉ được cụ thể bằng kí hiệu “X”. Theo đó, Hồ Khánh Vĩ, 25 tuổi, nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm cho công ty X đã sung huyết não, tử vong vào ngày 10-6-2008. Vợ của Khánh Vĩ cho biết, sức khỏe của chồng cô vốn rất tốt, do làm việc quá sức nên mới tử vong. Trước cái chết của Khánh Vĩ, người phụ trách họ Đặng phủ nhận do lao động quá sức và khẳng định chỉ làm tăng ca đến 10h30 tối. Tuy nhiên, nhiều công nhân khác cho biết, “có lúc làm đến 10h30 tối, có lúc tăng ca đến 12h đêm, thậm chí đến 1h sáng hôm sau”. Một công nhân họ Lưu cho biết, họ không được nhận tiền làm thêm ca, nếu không đồng ý làm thêm, còn bị trừ lương. Năm 2011, Lâm Hải Thao - một kỹ thuật viên trong nhóm phát triển bản đồ của trang mạng Baidu sau 4 tháng đi làm cũng chết vì suy tim. Trước khi chết, trên blog của Hải Thao có đăng một dòng “tự khoe thành tích” làm việc 48 tiếng không ngủ. Cư dân mạng bàn tán rằng thanh niên này tử vong do làm việc quá sức. 

“Nghiện” việc đến… chết

Trên trang Baidu.com, nhóm người có nguy cơ lao động đến kiệt sức được kể đến là: người có địa vị trong xã hội, bởi chức vụ càng cao trọng trách càng lớn; người mắc chứng “nghiện” công việc, thức đêm nhiều, thời gian sinh hoạt không quy luật; người buộc phải tăng ca thường xuyên; người có tham vọng cao. Những người chết vì kiệt sức có đặc điểm làm việc trên 10 tiếng/ngày trong một thời gian dài. Một người nổi tiếng của Trung Quốc điển hình cho chứng “nghiện” công việc là Ngải Vị Vị, SN 1989. Năm 2011, cô gái là người mẫu, kiêm giám đốc một công ty truyền thông này đã nhập viện trong tình trạng kiệt sức và phát hiện mắc bệnh bạch cầu cấp trước khi lìa đời. Quản lý của Vị Vị cho biết, cô từng 3 ngày 3 đêm không ngủ, không nghỉ; thường thức thâu đêm, ăn uống và làm việc không điều độ. Sau khi phát hiện bệnh, Vị Vị vẫn không chịu nghỉ ngơi. Bác sĩ Trần Quân Mẫn, chủ nhiệm khoa huyết học bệnh viện số 1 thuộc Đại học Y  Phúc Kiến cho biết, nguyên nhân cái chết của Vị Vị có liên quan tới lao động quá sức. 

Xét chung, lý do khiến con người lao động đến kiệt quệ sức khỏe, một là do chính bản thân họ tham công tiếc việc mà bỏ qua các tín hiệu rệu rã, cần được nghỉ ngơi của cơ thể; hai là do chịu áp lực mưu sinh, buộc phải trôi theo guồng quay kiếm tiền khắc nghiệt để duy trì cuộc sống. Trong một báo cáo của Công ty Nguồn nhân lực toàn cầu ECA được đăng trên trang QQ.com vào ngày 19-12-1013 cho biết, trong bảng xếp hạng chi phí sinh hoạt tại các thành phố trên thế giới, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến lần lượt xếp thứ 15,18, 38 và 40. Trong khi đó, Paris và Newyork chỉ xếp ở vị trí 29 và 33. Thời buổi người khôn của khó, thanh niên Trung Quốc phải lao động và cạnh tranh cật lực nếu muốn đủ chi phí nuôi bản thân và có một tổ ấm riêng. Gần đây, một cặp đôi công nhân tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, đã khiến nhiều người cảm động khi cho biết trong 4 năm họ chỉ tiêu chưa đến 5 NDT/ngày để tiết kiệm tiền mua nhà. Người chồng làm việc không ngừng nghỉ, người vợ thì đi xin từng mớ rau nát ngoài chợ về ăn. Tiền Kiến Tân, SN 1977, ở Bắc Kinh, nhân viên một công ty hoạt động trong lĩnh vực văn hóa xã hội, lương 1.800 NDT/tháng, chia sẻ lý do chưa kết hôn vì đang đợi được mua nhà giá rẻ và “không gia đình nào muốn con gái lấy một người đàn ông không có nhà”.