Bộ luật Lao động (sửa đổi): Nhiều quyền của người lao động được bổ sung

ANTD.VN - Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua với tỷ lệ tán thành là 90,06%. Một trong những nội dung mới có tác động trực tiếp, sâu rộng đến toàn bộ người lao động là tuổi hưu sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình từ năm 2021.

 

Bộ luật Lao động (sửa đổi): Nhiều quyền của người lao động được bổ sung ảnh 1

Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình với cả lao động nam và nữ

Cải thiện nhiều chính sách việc làm

Đánh giá về những nội dung mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, việc thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) là một tiến bộ quan trọng.

Những sửa đổi trong Bộ Luật Lao động sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng.

Lần sửa đổi Bộ Luật Lao động mới nhất này sẽ tạo khung pháp luật hoàn thiện hơn cho quan hệ việc làm, điều kiện lao động và chức năng đại diện của người sử dụng lao động và người lao động.

Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này cũng chú trọng hơn tới việc thực hiện thương lượng tập thể tự nguyện, một công cụ cần thiết đối với một nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình hội nhập toàn cầu sâu rộng.

Nội dung thay đổi quan trọng nhất lần này là khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Một nội dung thay đổi lớn khác là Bộ luật Lao động mở rộng phạm vi bảo vệ tới những người được tuyển dụng nhưng không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản.

Điểm tiến bộ cũng được thể hiện ở những định nghĩa mới về phân biệt đối xử và quấy rối, cho phép người lao động được đơn phương nghỉ việc với điều kiện có thông báo trước một cách phù hợp.

Bao phủ cả lực lượng lao động chính thức và phi chính thức

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Bộ luật Lao động (sửa đổi) có tác động rất lớn đến rất nhiều đối tượng người lao động, bao phủ lực lượng người lao động cả nước. Điểm quan trọng lần này chính là lần đầu tiên trong Bộ luật Lao động đã bao phủ cả lực lượng lao động trong quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.

Do đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cân bằng lợi ích giữa chủ sử dụng lao động và người lao động; hạn chế bớt những sự chênh lệch quyền, lợi ích giữa chủ và thợ, dẫn đến sự bình đẳng cao hơn, đảm bảo để cho đáp ứng những yêu cầu là lao động, quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ.

Ngoài ra việc bổ sung thêm một ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương, nghỉ thêm 1 ngày trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9, có ý nghĩa lớn. Thêm ngày nghỉ vào dịp 2/9, người lao động có thời gian nghỉ ngơi dài hơn.

Hơn nữa, nghỉ thêm một ngày trong khoảng thời gian từ 1- 5/9, là ngày cận kề với ngày học sinh, sinh viên đến trường, bố mẹ có điều kiện chuẩn bị cho con cái ngày khai giảng năm học mới, và học sinh, sinh viên cũng có điều kiện để sum họp cùng gia đình trước khi đi học.

Băn khoăn chính sách tuổi hưu với lao động trực tiếp

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua lần này đã bổ sung các chế định mới- thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động, thị trường lao động, đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, hệ thống pháp luật hiện hành và yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.

Nhiều quyền của người lao động được bổ sung, nhiều nguyện vọng của người lao động được đáp ứng như quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, quyền nghỉ việc riêng vẫn hưởng nguyên lương…

Một trong những nội dung lớn nhất được thông qua lần này là việc tăng tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của thế giới và cũng không dễ dàng với bất cứ quốc gia nào.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đồng ý rằng việc tăng tuổi hưu nhằm hóa giải thách thức già hóa dân số, cũng như giải quyết một mục tiêu bao trùm vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo tăng trưởng xã hội, nhưng cũng phải cân đối để đảm bảo công ăn việc làm; bảo toàn và phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời giải quyết hài hòa, bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới.

Dù vậy, điều băn khoăn nhất hiện nay là Chính phủ cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với những đối tượng lao động này có thể xem xét chưa tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt.

Tin cùng chuyên mục