Bỏ lại lỗi lầm sau song sắt

ANTD.VN - Sáu năm trước, khi sa chân vào vòng lao lý, những người quen biết Nguyễn Quang Hải đều nghĩ cuộc đời của thanh niên ngổ ngáo, phá gia chi tử này coi như… chấm hết! Âu đó cũng là cái giá phải trả cho thói đầu gấu, ngang ngược. Vậy mà giờ đây, chàng trai ấy đã đoạn tuyệt mọi quá khứ đen tối để trở thành điển hình làm ăn kinh tế giỏi và tấm gương của nhiều mảnh đời lầm lỗi.

Nguyễn Quang Hải và mảnh vườn tiền tỷ của mình

Bước chân sa ngã

Năm 2009, người dân thôn Gia Cốc, xã Kiêu Kị, huyện Gia Lâm vẫn coi Hải là một kẻ… vô tích sự. Gần 30 tuổi, nhưng Hải vẫn ham chơi hơn thích làm. Dù đã có một cô con gái, nhưng thay vì chí thú kiếm tiền chăm lo cho gia đình thì anh chỉ thích cờ bạc, lô đề hay tụ tập rượu chè đàn đúm. Ngay cả cha mẹ Hải cũng coi anh như một cái… nợ đời.

Hải bắt đầu câu chuyện với tôi theo cái lối rủ rỉ, rù rì đi ngược lại quãng đời của mình như thế. Và giờ đây, cũng như cách nói chuyện ấy, Hải bắt đầu lần mò từng bước làm giàu để thay đổi cuộc đời. Chậm nhưng chắc, sự thành công của Hải ngày hôm nay đã khiến những người làng từng thành kiến với anh ngày trước quên khuấy đi rằng: Thằng Hải ngày xưa từng… bán giời không văn tự.

Sau khi lấy vợ, Hải đi học lái xe. Vốn thương con, đồng thời cũng muốn giúp vợ chồng Hải chút vốn để gây dựng làm ăn, cha Hải đã mua một chiếc xe tải để anh chở hàng cho các đại lý chuyên buôn bán vật liệu xây dựng trong huyện. Thanh niên dạo ấy mà đã có xe tải riêng để làm ăn ở xã này hiếm lắm.

Có xe, việc nhiều, Hải làm ra tiền triệu mỗi ngày. Nhưng đang ăn chơi quen thân, lại kiếm được tiền, Hải dính ngay vào cờ bạc. Cái thú đỏ đen suốt mấy năm trời khiến khoản tiền kiếm được hàng ngày chẳng thấm vào đâu. Đi làm từ sáng đến tối nhưng cả tháng Hải chẳng đưa được về cho vợ đồng nào.

Rồi khi vận đen đến, Hải thẳng tay bán chiếc xe - cái cần câu cơm của cả gia đình để nướng vào chiếu bạc cùng các thú vui phù phiếm. Thương con, thương cháu, cha mẹ Hải mấy lần vay giật chuộc xe ra. Nhưng chỉ được dăm bữa, nửa tháng thì mọi chuyện lại đâu đóng đấy.

“Tính tổng cộng em đã bán của bố mẹ 2 xe tải và 2 xe máy SH, còn những chiếc xe tàng tàng như Dream, Wave thì nhiều không nhớ nổi. Thậm chí có lần to gan, em còn mượn nốt cả  chiếc xe con của họ hàng đem bán lấy tiền cờ bạc” - Hải nhớ lại.

Chuỗi ngày phá phách ấy được Hải “tô điểm” thêm bằng một sự kiện động trời. Trong một lần tranh chấp đất cát, Hải đã rút dao đâm vợ chồng người hàng xóm khi hai bên xảy ra mâu thuẫn. Sự việc nghiêm trọng tới mức công an phải vào cuộc vì vết thương của bị hại khá nặng, lúc đó là năm 2009. 

Khát vọng đổi đời

Chỉ đến lúc ngồi sau song sắt với án phạt 9 năm tù về tội cố ý gây thương tích, Hải mới bắt đầu nuối tiếc, ân hận là cảm giác thường xuyên xâm chiếm tâm trí anh mỗi khi thấy cha mẹ, vợ con còm cõi gom góp những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi lên trại để thăm nuôi. Thay đổi mình không bao giờ là quá muộn ngay cả khi đã ở trong tù.

Nghĩ vậy, Hải bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực và ra sức cải tạo, lao động thật tốt. Suốt gần 4 năm cải tạo, Hải nhận được sự đánh giá rất tích cực của cán bộ quản giáo và được xét giảm án, đặc xá tha tù trước thời hạn.

Ngày trở về, nhìn gia cảnh tiêu điều, vợ con nhếch nhác, anh quyết định phải làm một điều gì đó để chuộc lỗi với người thân. Đã quyết là phải làm, nhà vốn có sẵn 7 sào vườn trồng táo, Hải nghĩ, đây là giải pháp cuối cùng. Vậy là anh bắt đầu chuỗi ngày trở thành một lão nông chính hiệu. Tối ngày quần quật ngoài vườn chăm bón, tỉa cây, đào rãnh, phun thuốc… cuối năm ấy, vườn táo mang lại cho gia đình anh khoản thu nhập gần 300 triệu đồng.

Làm ăn có lãi khiến niềm hứng khởi tăng lên, Hải bàn với cha quyết định mở rộng mô hình sản xuất. Anh thuê tiếp những mảnh ruộng xung quanh và tăng diện tích canh tác lên thành 6 mẫu, đồng thời tìm đến những hộ sản xuất quanh vùng để học hỏi kinh nghiệm trồng giống ổi Đài Loan.

Những ngày đầu quyết định làm ăn lớn là chuỗi ngày cực nhọc nhất. Lưng vốn ít, có được chút tiền thì còn phải trả tiền thuê đất và đầu tư phân bón, cây giống… thế là Hải quyết định không thuê nhân công mà tự hì hục làm một mình.

Suốt 1 năm tiếp theo, ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, anh tự giam mình ngoài vườn để trồng cây, đào đắp mương nước, chăm sóc khoảnh vườn ấy mà không hề ló mặt ra bên ngoài. Lắm lúc nghĩ cực đến chảy nước mắt, nhưng  Hải vẫn quyết tâm theo đuổi mục đích.

Mọi cố gắng của Hải đã được đền đáp, 2 mẫu vườn ổi đều đặn cho anh thu nhập 50 triệu đồng /tháng, số còn lại là 4 mẫu táo đào và táo Đài Loan cũng cho thu nhập ngót 400 triệu đồng/năm. Tính ra mỗi năm Hải thu trên dưới 1 tỷ đồng.

Hải cười bảo: “Bây giờ em đã trả lại hết cho cha mẹ những gì mình phá phách ngày nào. Khi có thu nhập, việc đầu tiên là em gom tiền đến trả cho ông chú chiếc ôtô ngày xưa đã bán vì cờ bạc. Đó là cách duy nhất để chứng minh cho mọi người thấy mình đã đổi thay và không còn vô tích sự như trước nữa”.

Tham vọng của Hải bây giờ là tiếp tục mở rộng sản xuất và anh đang tính về quê vợ ở Yên Bái mua trang trại để trồng cam. Trước mắt, anh đã mua 300m2 đất ở thành phố Yên Bái với dự định làm nhà để tiện triển khai dự định.

Nhìn cơ ngơi bát ngát của Hải, không ít người “choáng” vì chẳng thể ngờ nó được gây dựng bằng bàn tay của một kẻ từng ở tù về. “Ai cũng có thể làm giàu và tự thay đổi cuộc đời của chính mình. Em đã đánh mất nhiều cơ hội, bây giờ tận dụng được chút nào thì phải cố thôi” - Hải nói