Bộ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị làm rõ nhiều nội dung dự án metro số 3 ga Hà Nội- Hoàng Mai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ KH-ĐT đề nghị TP Hà Nội bổ sung một số nội dung quan trọng của dự án tuyến metro số 3 Ga Hà Nội- Hoàng Mai làm cơ sở xem xét, phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư.

Bộ KH-ĐT đã có Công văn gửi UBND TP Hà Nội cho ý kiến thẩm định về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị Dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Ga Hà Nội đến Hoàng Mai (metro số 3) và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt”.

Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật dự kiến sử dụng vốn không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU), bao gồm 4 hợp phần, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp những thông tin cần thiết trước khi chính thức khởi động đầu tư tuyến metro số 3 dài 8,7 km, đi ngầm toàn bộ từ Ga Hà Nội đến sát trạm bơm Yên Sở (Hoàng Mai).

Tuy nhiên, theo Bộ KH-ĐT, hồ sơ trình phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị Dự án đầu tư tuyến metro số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt” còn thiếu nhiều thông tin quan trọng.

Bộ KH-ĐT đề nghị Hà Nội làm rõ nhiều nội dung về dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Ga Hà Nội- Hoàng Mai

Bộ KH-ĐT đề nghị Hà Nội làm rõ nhiều nội dung về dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Ga Hà Nội- Hoàng Mai

Tại công văn này, Bộ KH-ĐT đề nghị UBND TP Hà Nội bổ sung Tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; báo cáo kết quả thẩm định nội bộ theo quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài vào hồ sơ trình phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Thêm vào đó, Bộ KH-ĐT cho rằng, tại báo cáo đề xuất này, TP Hà Nội chưa nêu rõ tổng mức đầu tư và cơ sở tính toán tổng mức đầu tư sơ bộ; chưa xác định cơ chế tài chính trong nước cũng như khả năng cân đối của TP Hà Nội đối với nguồn vốn nước ngoài, vốn đối ứng cho Dự án. Trong khi đó, đây là thông tin quan trọng bậc nhất để cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Liên quan Hợp phần 4 - Hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông tích hợp cho dự án đường sắt đô thị, Bộ KH-ĐT đề nghị TP Hà Nội làm rõ nội dung, hoạt động của hợp phần này, trong đó, cần đặc biệt làm rõ việc xây dựng khung kỹ thuật cho các dự án đường sắt đô thị, bởi Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các công trình.

“Để đảm bảo tính thống nhất khung tiêu chuẩn kỹ thuật cho các tuyến metro Hà Nội, TP Hà Nội cần trao đổi với Bộ Xây dựng, Bộ GTVT để không trùng lắp với các nội dung đang được 2 bộ triển khai”, Bộ KH-ĐT nêu.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội đang triển khai nhiều tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh- Hà Đông vay vốn của Trung Quốc và công nghệ Trung Quốc, tuyến Nhổn- Ga Hà Nội vay vốn ODA của Chính phủ Pháp và công nghệ châu Âu và tuyến số 2 Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay Nhật Bản, công nghệ Nhật Bản. Các tuyến metro này chưa có tính kết nối, liên thông, dẫn tới những khó khăn rất lớn cho đơn vị khai thác vận hành sau này.

Dự án metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài 8,7 km, đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay các nhà tài trợ nước ngoài là 1.478,68 triệu USD, tương đương 34.231 tỷ đồng. Phần còn lại là vốn đối ứng, trị giá 6.346 tỷ đồng, tương đương 274,1 triệu USD từ nguồn ngân sách TP Hà Nội.