Bộ GTVT bác bỏ cáo buộc lập dự toán vống 1.300 tỷ đồng tại dự án mở rộng QL1

ANTĐ - Tại văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, kết luận thanh tra của Bộ KH-ĐT về dự án mở rộng, nâng cấp QL1, đoạn qua Khánh Hòa cho rằng, đã lập dự toán vống lên gần 1.300 tỷ đồng là thiếu chính xác và chưa đúng vấn đề. 

Theo kết luận thanh tra số 3626/BKHĐT-TTr, chi phí thực tế tính đến thời điểm thanh tra (27/10/2015) so với chi phí được duyệt trong tổng mức đầu tư dự án chênh lệch giảm 1.282,1 tỷ đồng, chủ yếu là do không phải sử dụng chi phí dự phòng, giảm lãi vay ngân hàng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Về chi chi phí xây dựng giảm 18,5 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư, Thanh tra Bộ KH-ĐT cho rằng, chi phí nhân công có tính phụ cấp 10% không ổn định sản xuất là chưa đúng, làm tăng thêm 28,4 tỷ đồng. Trong khi đó, tại văn bản số 2609/BXD-KTXD ngày 5/11/2015, Bộ Xây dựng khẳng định việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất là phù hợp đồng thời UBND tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn và ban hành đơn giá xây dựng công trình cũng bao gồm phụ cấp không ổn định sản xuất trong đơn giá nhân công.

Về giá vật liệu, kết luận Thanh tra Bộ KH-ĐT chỉ dẫn, việc dùng giá nhựa đường do địa phương công bố để xác định tổng mức đầu tư đã làm tăng thêm 20 tỷ đồng so với việc sử dụng nhựa đường kho Nhà Bè (TP.HCM) vận chuyển về công trình. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, việc dùng giá vật liệu theo công bố của địa phương là phù hợp với hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

“Như vậy, ở đây đang còn có cách hiếu khác nhau giữa các bộ, ngành về chế độ chính sách,” lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Bộ GTVT cho rằng, kết quả thanh tra của Bộ KH-ĐT về việc lập dự toán sai gần 1.300 tỷ đồng dự án QL1 qua Khánh Hòa là thiếu chính xác

Đối với chi phí giải phóng mặt bằng giảm 201,8 tỷ đồng, theo Bộ GTVT, dự án phê duyệt quy mô mặt cắt ngang 25,5m các đoạn tuyến qua đô thị. Tuy nhiên, khi triển khai, Bộ GTVT đã chỉ đạo thống nhất, đồng bộ về quy mô mặt cắt ngang các đoạn tuyến qua đô thị trên tất cả các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa-Cần Thơ, trước mắt đầu tư với quy mô nền đường rộng 20,5m.

“Việc thu hẹp 4m nền đường các đoạn qua đô thị đông dân cư (11,2km/36,1km chiều dài dự án) đã giảm đáng kể chi phí giải phóng mặt bằng đồng thời Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo giảm cao độ thiết kế, phù hợp với cao độ nhà dân hai bên đường để giảm ảnh hưởng đến dân sinh từ đó phạm vi và chi phí giải phóng mặt bằng giảm,” báo cáo Bộ GTVT nêu rõ.

Ngoài ra, số liệu chi phí giải phóng mặt bằng tại thời điểm thanh tra (27/10/2015) là chưa đầy đủ, địa phương chưa hoàn tất việc giải ngân chi phí đền bù. Theo quy định, trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và quyết toán chi phí là của địa phương và hiện nay địa phương vẫn đang tiếp tục chi trả cho những hộ dân còn chưa nhận tiền hoặc mới chỉ nhận một phần nhưng đã chấp thuận di dời theo chỉ đạo của tỉnh Khánh Hoà để hỗ trợ cho dự án có mặt bằng triển khai thi công đáp ứng tiến độ.

Liên quan đến chi phí dự phòng chưa sử dụng đến 652,5 tỷ đồng, Bộ GTVT đã xác định chi phí dự phòng khối lượng là 10% (170,3 tỷ đồng) và dự phòng trượt giá (482,1 tỷ đồng). Việc chưa sử dụng dự phòng phí một phần là do giảm quy mô đầu tư, điều chỉnh giảm cao độ thiết kế, rút ngắn tiến độ thực hiện dự án (khoảng 3 tháng), khối lượng công trình xác định tương đối chính xác trong bước lập dự án, phần nữa là do không có biến động lớn về giá cả trong thời gian thực hiện dự án đồng thòi thể hiện việc kiểm soát chi phí tốt của chủ đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải.

Với chi phí lãi vay giảm 280,9 tỷ đồng, lãnh đạo ngành giao thông cho rằng, khi phê duyệt dự án đầu tư, lãi vay chỉ là tạm tính và sẽ được xác định chính xác khi quyết toán công trình. Trong quá trình thực hiện dự án, lãi suất vay của các ngân hàng thương mại giảm, nhà đầu tư chưa giải ngân hết giá trị thực hiện, chưa sử dụng chi phí dự phòng và chi phí giải phóng mặt bằng giảm nên làm cho chi phí lãi vay giảm so với giá trị xác định trong tổng mức đầu tư.

Bên cạnh đó, báo cáo Bộ GTVT cũng cho rằng, trong Hợp đồng BOT đã quy định, chi phí lãi vay sẽ được điều chỉnh, xác định lại phù hợp với thực tế khi lãi suất trung bình năm thực tế tăng, giảm từ 0,5% trở lên nên đảm bảo không có thất thoát hay tăng tổng vốn đầu tư để kéo dài thời gian thu phí.

Liên quan đến việc xác định tổng mức đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức BOT, Bộ GTVT giải thích, tổng mức đầu tư không phải là giá trị thanh toán cho nhà thầu nên không gây thất thoát, lãng phí. Giá trị dự toán xây dựng công trình do doanh nghiệp dự án phê duyệt chỉ có ý nghĩa thanh toán với nhà thầu mà không phải là giá trị dùng để xác định thời gian thu phí hoàn vốn.