Bộ Giao thông ủng hộ Hà Nội làm tuyến metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GTVT khẳng định, việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng tuyến số đường sắt đô thị số 5 TP Hà Nội phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư cho ý kiến thẩm định đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 5: Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Bộ GTVT khẳng định, việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng tuyến số đường sắt đô thị số 5 TP Hà Nội phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Với tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc đề xuất nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 để dần hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và tiến tới hình thành loại hình vận tải công cộng văn minh hiện đại trên địa bàn TP. Hà Nội”, Bộ GTVT đánh giá.

Về dự báo nhu cầu vận tải, Bộ GTVT ghi nhận thuyết minh dự án cho thấy đã cập nhật dự báo dân số, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Phối cảnh tuyến metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc

Phối cảnh tuyến metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc

Tuy nhiên, việc giữ nguyên các hệ số đi lại (được nghiên cứu, xây dựng từ năm 2012) trong bối cảnh từ 2012 đến nay có thay đổi lớn về luồng khách (do tốc độ đô thị hóa và phát triển nóng các khu đô thị tại khu vực trung tâm thành phố, cũng như các vành đai) là chưa có cơ sở, cần thiết phải xem xét để chuẩn xác số liệu dự báo làm cơ sở lựa chọn loại hình đường sắt đô thị, lựa chọn cấu hình, số lượng đoàn tàu phù hợp, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Đối với quy mô đầu tư xây dựng dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội làm rõ khả năng bố trí quỹ đất đối với các ga nêu trên; đồng thời, đánh giá tác động của vị trí ga đến các công trình lân cận (nhất là công trình văn hóa, tâm linh để hạn chế các vướng mắc trong quá trình triển khai).

Liên quan đến việc giao cắt với các tuyến đường bộ (vành đai 2, vành đai 3, các cầu vượt ngang trên đại lộ Thăng Long), Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu, so sánh, đánh giá rất cụ thể các phương án giao cắt để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Trong đó, lưu ý việc đề xuất phương án hầm qua nút giao vành đai 2 (phải phá bỏ cầu vượt Trung Hòa hiện tại, làm cầu tạm trong quá trình thi công và hoàn trả lại cầu mới tại vị trí ban đầu khi xây dựng xong hầm); phương án hầm qua vành đai 3 không tận dụng đi theo phương án đã được dự phòng khi xây dựng hầm chui Trung Hòa (mặc dù phương án này được tư vấn đánh giá có nhiều ưu điểm về bình diện tuyến, chi phí xây dựng thấp nhất).

Được biết, theo báo cáo của tư vấn, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 65.404 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong trường hợp phải huy động vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế). Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Tư vấn làm rõ tổng mức đầu tư nêu trên đã bao gồm chi phí hỗ trợ vận hành.

Tuy vậy, Bộ GTVT cũng kiến nghị TP Hà Nội cập nhật tiến độ thực tế của dự án đến nay để điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, thực tiễn triển khai các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy, giai đoạn thực hiện dự án dự kiến 5 năm (từ năm 2021 đến năm 2025) là khó khả thi.

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, UBND TP Hà Nội đề nghị thí điểm áp dụng hình thức đối tác thực hiện dự án - mô hình PDP (học tập theo mô hình của Malaysia), theo đó đối tác PDP chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện dự án từ khi thiết kế đến khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác, đối tác PDP thực hiện chức năng nhiệm vụ như là một tư vấn quản lý thực hiện dự án, đồng thời như một tổng thầu EPC.

Đối với đề xuất này, qua thực tiễn triển khai các dự án đường sắt đô thị, Bộ GTVT nhận thấy với tính chất phức tạp của dự án, đề nghị TP Hà Nội nghiên cứu thêm phương án thuê tư vấn quản lý dự án.