Bộ GD-ĐT chưa thể “buông” kỳ thi tốt nghiệp THPT

ANTĐ - Sau “đặt hàng” của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dành cho Bộ GD-ĐT có một ngày về việc cần nghiên cứu xem có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không, chiều 1-8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có buổi trao đổi với báo chí với khẳng định, nếu bỏ thi vào thời điểm này, chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ đi xuống.

Bộ GD-ĐT chưa thể “buông” kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh 1
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT chưa phản ánh đúng thực chất dạy và học

- PV: Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước năm nào cũng gần tới con số 100%, vậy việc duy trì kỳ thi này có ý nghĩa gì, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thi tốt nghiệp THPT là hoạt động kiểm tra đánh giá trong cả quá trình học tập của thí sinh, xác nhận trình độ, năng lực có đạt được yêu cầu tốt nghiệp THPT hay không. Đồng thời, kỳ thi này còn có chức năng động viên, tạo động lực cho sự cố gắng học tập của học sinh, cung cấp thông tin giúp các cấp quản lý và các giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy và học sau thi… Đây là lý do kỳ thi này vẫn được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên để đạt được những mục tiêu trên thì quá trình tổ chức thi phải thực sự khoa học. Mọi người đều muốn một kỳ thi đánh giá được kết quả học tập thực chất của học sinh, đồng thời phải khách quan, nghiêm túc, kinh tế gọn tiết kiệm chi phí, thuận tiện. Hiện tại có thể nói một số yêu cầu trên với kỳ thi tốt nghiệp THPT là chưa đạt được.

- Tuy nhiên, tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT cao được cho là không phản ánh đúng thực chất dạy và học trong nhà trường? 

- Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, Bộ đã nghiên cứu, cải tiến theo hướng yêu cầu vừa nêu. Nhưng đây không phải là việc làm được một sớm một chiều. Một kỳ thi phải được cải tiến đồng bộ với các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục, cộng lại với nhau, tương tác với nhau để đạt được kết quả. Có thể thấy ngành đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thể đổi mới một cách căn bản khi chương trình, phương pháp giáo dục chưa thay đổi. Với tỷ lệ đỗ nhiều tỉnh chót vót như hiện nay là không thực chất, vì vậy nếu làm nghiêm thì hầu hết các tỉnh đều hạ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, nhưng để nói là đến bao giờ phản ánh đúng thực chất thì không thể nói được.

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ có nhiều điểm tương đồng, vậy vì sao Bộ không tìm ra cách thức gộp 2 kỳ thi như đã từng nêu ra?

- Đúng là Bộ có những lúc nghĩ gộp lại 2 kỳ thi nhưng chưa được. Vấn đề thi tốt nghiệp THPT rất phức tạp, không chỉ với Việt Nam mà các nước khác cũng thấy băn khoăn. Trước thì Mỹ có ít bang thi tốt nghiệp THPT nhưng giờ lại nhiều hơn. Nga đã bỏ thi tốt nghiệp THPT giờ đang quay lại. Tuy nhiên có những nước lại đang nghiên cứu bỏ kỳ thi này như Pháp, Nhật … Việt Nam thì đang nghiên cứu. Hai kỳ thi có nhiều tương đồng như môn thi và thời gian tổ chức gần nhau, tuy nhiên mục đích khác nhau. Việc tổ chức 2 kỳ thi liền nhau đang gây ra khó khăn, bức xúc nên có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp. Nếu nói bỏ thì đơn giản, kiểu như quản lý chưa được thì bỏ là không được, cần thiết bây giờ là phải cải tiến từ bên trong. Nếu không được thì sẽ tính bỏ. Bộ phải nghiên cứu kỹ chuyện này.

- Bộ  có tính đến việc giao kỳ thi tốt nghiệp về cho các địa phương tự tổ chức để giảm áp lực?

- Bộ đang xây dựng ngân hàng câu hỏi với 3 mức độ nhớ, hiểu và vận dụng. Để ra được đề thi tốt thì câu hỏi phải phong phú và khoa học, sư phạm sau đó tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên các câu hỏi vào đề thi. Hiện nay Bộ đang làm nên chưa có ngân hàng đó, nên nếu giao cho địa phương tự sắp xếp đề thì Bộ chưa tin họ có thể làm tốt. Chỉ khi có ngân hàng câu hỏi tốt  thì mới có thể tính đến chuyện giao quyền chủ động cho các cơ sở. 

- Vậy có nghĩa kỳ thi này vẫn sẽ duy trì cách tổ chức như hiện nay?

- Theo tôi, từ nay cho đến khi có phương án mới thì vẫn phải thi nhưng sẽ có cải tiến tiếp. Bây giờ tâm lý bằng cấp còn nặng nề, nếu không tổ chức thi thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ đi xuống. Nếu thi tốt nghiệp dù có đỗ tới 98% thì vẫn tốt hơn là 98% đỗ theo kiểu xét trong điều kiện hiện nay.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh: Không thể chấp nhận học 12 năm ròng chỉ được đánh giá bằng một bài thi

Bộ GD-ĐT chưa thể “buông” kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh 2

Con em chúng ta đang phải đối đầu với những cung cách thi cử căng thẳng và lạc hậu. Trước khi vào lớp 1 đã phải luyện thi để mong đỗ vào các trường điểm, trường uy tín… Các kỳ thi vào lớp 10, vào chuyên, thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH … đều làm cho học sinh khổ mà thực ra không đánh giá được thực chất của học sinh vì không có cách gì khắc phục được tiêu cực thi cử. Không thể chấp nhận hiện tượng học suốt 12 năm ròng rã mà được đánh giá chỉ bằng một bài thi làm trong 3 tiếng đồng hồ. Cần phải xây dựng một cách kiểm định chất lượng theo từng phần, từng giai đoạn nhỏ. Đánh giá năng lực của mỗi học sinh là tổng  hợp kết quả của tất cả các giai đoạn đó. Tôi đề nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng, giao về các sở, không cần tổ chức một cuộc thi căng thẳng, nặng nề như hiện nay. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cũng nên giao cho các trường tự chủ.

GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học-giáo dục UBNTTQVN: Sau “hai không” lại đỗ 100%

Bộ GD-ĐT chưa thể “buông” kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh 3

Nói về phong trào “Hai không” của ngành giáo dục (nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) được phát động rầm rộ cách đây 6,7 năm, khi ấy có trường tỷ lệ tốt nghiệp THPT là 0%. Nhưng chính ngôi trường ấy, năm trước lại đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%. Tôi đã trực tiếp hỏi một thí sinh khu vực huyện ngoại thành về kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, cháu nói thầy cô cho mang phao thi vào phòng thi, chỉ cấm mang sách giáo khoa…Trong khi đó, việc kiểm tra, đánh giá ngoài ý nghĩa mang tính công nhận thì còn có ý nghĩa quan trọng hơn là đem đến tác dụng định hướng giáo dục rất hữu hiệu. “Thi cử thế nào, thầy và trò dạy và học như thế ấy!”. Vậy nên phải đổi mới mạnh mẽ mọi hoạt động đánh giá, coi trọng đánh giá của giáo viên ngay trong quá trình dạy và học thay vì tập trung thi cử cuối khóa nặng nề, đối phó, hình thức, thiếu thực chất, thoát ly mục tiêu đào tạo.­­

Tin cùng chuyên mục