Bộ Công Thương nói về việc rút giấy phép doanh nghiệp xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Công Thương cho biết, một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương khẳng định phối hợp kiểm tra thị trường thường xuyên và định kỳ

Bộ Công Thương khẳng định phối hợp kiểm tra thị trường thường xuyên và định kỳ

Chiều ngày 12/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý, kinh doanh xăng dầu, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương có 3 trách nhiệm chính.

Đó là chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá; giám sát việc thực hiện đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu; đảm bảo nguồn cung cho sản xuất và người tiêu dùng; và phát triển hệ thống phân phối, làm thế nào để phục vụ tốt hơn cho sản xuất và tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh xăng dầu chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu… Nhiều cơ quan có chức năng quản lý mặt hàng xăng dầu như Bộ Công an, Hải quan, Bộ Tài chính, Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ Công Thương.

Theo phân công, Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công, chịu trách nhiều về chất lượng, số lượng, pha chế. Các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn của mình. Theo Nghị định 83, Bộ Công Thương có 3 trách nhiệm chính.

Thứ nhất là chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính giám sát việc thực hiện, điều hành giá đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Thứ hai là đảm bảo nguồn cung cho sản xuất và người tiêu dùng. Thứ ba là phát triển hệ thống phân phối, làm thế nào để phục vụ tốt cho sản xuất và tiêu dùng.

Theo ông Trần Duy Đông, trong thời gian qua, việc kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83 của các thương nhân kinh doanh xăng dầu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương về cơ bản đã được thực thi, đáp ứng tốt những yêu cầu của Nghị định.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, giám sát, vẫn có 1 số thương nhân kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu, biểu hiện vi phạm theo Nghị định 83, như việc duy trì điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh xăng dầu, hay có những quy định cụ thể liên quan đến chức năng quản lý của bộ, ngành khác như vấn đề chất lượng, pha chế…

“Bộ Công Thương luôn yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu đảm bảo thực thi pháp luật đầy đủ trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, thường xuyên có văn bản yêu cầu thương nhân kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo trách nhiệm của mình và thực hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh xăng dầu, trong đó duy trì điều kiện đầu tư kinh doanh, phát triển hệ thống để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất” - ông Trần Duy Đông nói.

Ngoài ra, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành để thị trường xăng dầu hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật.

“Thời gian qua, Bộ phối hợp với cơ quan Công an, quản lý thị trường đã thực hiện một số hoạt động liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, như thường xuyên có đoàn kiểm tra giám sát, quan tâm đến hậu kiểm. Đoàn gần nhất được triển khai vào cuối năm 2020.

Đến nay về cơ bản, sơ bộ đã kết thúc đợt 1, đã có những kết quả ban đầu. Chúng tôi sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền, cũng như lãnh đạo Bộ để xử lý nghiêm thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm cũng như theo khuyến nghị của cơ quan chuyên ngành"- ông Trần Duy Đông cho hay.

Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 83, Bộ Công Thương cho biết qua 5 lần chỉnh sửa, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là bước cuối cùng để Nghị định 83 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu được thông qua.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay: "Hy vọng Nghị định sửa đổi sẽ xử lý được những vướng mắc trong kinh doanh xăng dầu, trong đó có vấn đề liên quan đến quy định phát triển hệ thống phân phối minh bạch, rõ ràng hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào chất lượng, thực chất...”.

Liên quan đến hạn mức nhập khẩu xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước đây 70-75% lượng sử dụng trong nước phải nhập khẩu.

Khi các doanh nghiệp được cấp phép thành doanh nghiệp đầu mối, hàng năm phải đăng ký kế hoạch nhập khẩu bao nhiêu. Vì vậy, nếu không có hạn mức thì sẽ thiếu để cung cấp trong nước.

Thậm chí, doanh nghiệp phân phối, đại lý ở dưới có quyền không phải lấy của doanh nghiệp đầu mối mà còn có thể lấy của doanh nghiệp khác bởi nhiều khi hạn mức của 1 doanh nghiệp, của 1 đầu mối còn ít so với tổng số tiêu thụ trực tiếp trên thị trường.

Ngoài ra, hiện nay, nguồn cung cho xăng dầu thay đổi, 70-75% đã lấy ở trong nước từ 2 nhà máy, đó là Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… cho nên nhập khẩu chỉ còn 25-30%.

Vì thế, trong Nghị định sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, đề xuất của doanh nghiệp và một số các cơ quan quản lý là nên bỏ hạn mức này, bởi doanh nghiệp nên chủ động trong việc kinh doanh của họ.

“Đầu năm doanh nghiệp đăng ký hạn mức, nhưng đến gần cuối năm nếu có điều chỉnh, không đáp ứng được hạn mức thì báo cáo lên Bộ, Bộ đồng ý mới cấp lại hạn mức đó.

Như vậy, Bộ vẫn kiểm soát chặt trong vấn đề này. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, nhu cầu giảm, thì vẫn phải có sự thông cảm cho doanh nghiệp” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Liên quan đến việc rà soát các dự án điện mặt trời ( ĐMT), ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, vừa qua, Thủ tướng có yêu cầu Bộ Công Thương rà soát phát triển ĐMT, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây. Ông Dũng lý giải, việc quá tải diễn ra vào năm 2019 và đầu năm 2020 tại một số địa phương như Ninh Thuận vì tốc độ phát triển dự án rất nhanh.

Với dự án ĐMT, tốc độ xây dựng chỉ từ 4-6 tháng nhưng với đường dây truyền tải, thời gian xây dựng phải mất từ 2 năm trở lên, nên sự tương thích về đầu tư và phối hợp chưa nhịp nhàng. “Thời gian qua, EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải; nhiều dự án của tư nhân cũng được triển khai nên cơ bản đến nay, quá tải do năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo theo đó đã được giải quyết”- ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định.