Bộ Công an đã sẵn sàng cho thành công của Hội nghị MACOSA

(ANTĐ) - Từ ngày 28-9 đến 1-10-2010, tại Hà Nội, sẽ diễn ra Hội nghị “Những người đứng đầu Cơ quan An ninh các nước ASEAN”, tên tiếng Anh “Meeting of ASEAN Chiefs of Security Agencies, viết tắt MACOSA”, với chủ đề “Từ tầm nhìn tới hành động: Tăng cường hợp tác an ninh các nước ASEAN góp phần xây dựng cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN”.

Bộ Công an đã sẵn sàng cho thành công của Hội nghị MACOSA

(ANTĐ) - Từ ngày 28-9 đến 1-10-2010, tại Hà Nội, sẽ diễn ra Hội nghị “Những người đứng đầu Cơ quan An ninh các nước ASEAN”, tên tiếng Anh “Meeting of ASEAN Chiefs of Security Agencies, viết tắt MACOSA”, với chủ đề “Từ tầm nhìn tới hành động: Tăng cường hợp tác an ninh các nước ASEAN góp phần xây dựng cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN”.

Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng - Thứ trưởng Bộ Công an tiếp thân mật Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á - Thái Bình Dương, Scot Marciel nhân chuyến thăm Việt Nam, tháng 2-2010

Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng - Thứ trưởng Bộ Công an tiếp thân mật Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á - Thái Bình Dương, Scot Marciel nhân chuyến thăm Việt Nam, tháng 2-2010

Đây là diễn đàn an ninh gồm những người đứng đầu Cơ quan An ninh 10 nước ASEAN và là sáng kiến của Bộ Công an trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2010. Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh trong ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng.  

Tiếp nối các sự kiện chính trị lớn trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam vinh dự là nước đầu tiên tổ chức và chủ trì Hội nghị MACOSA. Đây là sáng kiến của Bộ Công an Việt Nam được nêu ra trong cuộc họp Hội nghị Cộng đồng Chính trị - An ninh lần thứ 3 ngày 14-1-2010, tại Đà Nẵng.

Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các nước ASEAN và được ghi nhận trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN 16 và tại cuộc họp cộng đồng Chính trị - An ninh lần thứ tư (APSC - 4), diễn ra tại Hà Nội. Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị, Bộ Công an Việt Nam đã và đang nỗ lực phối hợp với các thành viên trong Hiệp hội để xây dựng một cơ chế tham vấn, hợp tác an ninh ở cấp cao nhằm đảm bảo lợi ích của từng quốc gia, góp phần đảm bảo lợi ích chung của cả ASEAN.

I- Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế đã làm thay đổi môi trường an ninh, thay đổi cả nội dung, phạm vi, đối tượng an ninh của nhiều quốc gia trên thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 càng đẩy nhanh hơn, sâu sắc hơn sự thay đổi đó.

Do đó, quan niệm và tư duy an ninh cũng như phương thức, biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Trong khi những thách thức an ninh truyền thống vẫn tồn tại thì chúng ta đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng tăng, phạm vi đe dọa ngày càng rộng và mức độ thiệt hại do chúng gây ra ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, không một quốc gia nào, dù hùng mạnh đến đâu, dù nhiều tiền, nhiều súng đạn đến đâu cũng không thể đơn độc ứng phó với những thách thức đó, nhất là những thách thức an ninh phi truyền thống. Giữ vững độc lập, chủ quyền; đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong điều kiện hiện nay phải mở rộng và chủ động trong hợp tác quốc tế.

Vì vậy, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các lực lượng an ninh của các nước là con đường khách quan để đảm bảo an ninh vững chắc cho mỗi quốc gia, cho mỗi khu vực và cho toàn cầu. Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng là những khu vực phát triển rất năng động, đồng thời cũng đang đứng trước những thách thức an ninh không nhỏ: tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ nghĩa ly khai, nạn khủng bố, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, nạn cướp biển, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... đang tác động trực tiếp hàng ngày đến cuộc sống yên bình của nhân dân, sự ổn định của các quốc gia và cả khu vực.

Những năm gần đây hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước ASEAN, giữa các nước ASEAN với nhau đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Liên kết nội khối ASEAN không ngừng được tăng cường, với việc các quốc gia thành viên thông qua Hiến chương và đang tiến tới “Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN” vào năm 2015, tạo ra những tiền đề, những điều kiện thuận lợi mới cho hợp tác an ninh khu vực. Các hình thức hợp tác song phương và đa phương ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất hơn.

Đặc biệt, việc thiết lập đường dây nóng giữa cơ quan an ninh một số nước trong khu vực đã đánh dấu một bước phát triển mới, đồng thời cũng chứng tỏ nhu cầu hợp tác cùng giải quyết các thách thức an ninh giữa các nước trong khu vực đang trở lên cấp bách. Sự hợp tác trên đã tạo điều kiện hình thành các diễn đàn, các cơ chế đối thoại về an ninh khu vực. Trong đó phải kể đến sự hình thành và phát triển một số cơ chế hợp tác, như: AMMTC, SOMTC, ASOD, DGICM và ASEANPOL... Các tổ chức, diễn đàn này đã góp phần đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin an ninh, phối hợp tác chiến trong những lĩnh vực cụ thể góp phần xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khối ASEAN trong lĩnh vực an ninh.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an Việt Nam thông qua các diễn đàn an ninh, tích cực thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương về an ninh trong khuôn khổ ASEAN nhằm xây dựng lòng tin, tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa Cơ quan An ninh các nước ASEAN; ủng hộ các nỗ lực chung của ASEAN trong việc mở rộng hợp tác an ninh với các đối tác khác ngoài ASEAN.

Bộ Công an Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, an ninh các nước ASEAN được đảm bảo là yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định, tạo ra môi trường thuận lợi để khu vực phát triển thịnh vượng. Bộ Công an Việt Nam ủng hộ và cam kết thực hiện các biện pháp nhằm tiếp tục chia sẻ, trao đổi thông tin, tăng cường công tác nghiên cứu, ủng hộ tổ chức các hội thảo, hội nghị về các vấn đề an ninh và đối phó với những thách thức chung. Đồng thời hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ và hợp tác tích cực của tất cả các nước ASEAN trong giải quyết các thách thức an ninh cụ thể.

Thực tế, trong những năm qua, Cơ quan An ninh các nước ASEAN đã triển khai các hình thức hợp tác thiết thực, cụ thể phù hợp với các nhu cầu đòi hỏi chung của khu vực, cũng như điều kiện và năng lực của mỗi quốc gia thành viên như: đào tạo cán bộ, lập đường dây nóng trao đổi thông tin, hợp tác phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia. An ninh khu vực ASEAN gắn liền với an ninh châu Á - Thái Bình Dương cũng như an ninh toàn cầu. Do vậy, hợp tác an ninh giữa ASEAN với các đối tác, các bên đối thoại của ASEAN có ý nghĩa quan trọng, là một đòi hỏi khách quan và cấp bách để đảm bảo cho mọi thành viên ASEAN được sống trong một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Đây chính là lý do vì sao Bộ Công an Việt Nam đã và đang nỗ lực cho mục tiêu ngày càng hoàn thiện các cơ chế hợp tác an ninh khu vực, trong đó MACOSA sẽ là một bước đi mới để tiến tới từng bước hình thành một cấu trúc an ninh mới ở khu vực.

II- Theo chương trình, Hội nghị MACOSA, tại Hà Nội, từ ngày 28-9 đến 1-10-2010, sẽ tập trung vào các chủ đề lớn, như: Trao đổi thông tin về các vấn đề an ninh khu vực cùng quan tâm, đó là vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, các mối đe dọa khủng bố, an ninh hàng hải trên biển Đông, khai thác và bảo vệ nguồn nước sông Mê Kông; trao đổi và hợp tác bảo vệ các nhân vật quan trọng và mục tiêu trọng yếu; hợp tác về đào tạo nhân lực thực hiện công tác đảm bảo an ninh; hỗ trợ các kênh hợp tác chính trị - an ninh đã có hoặc đã được cam kết, như SOMTC và ASEANPOL.

Tại Hội nghị, những người đứng đầu Cơ quan An ninh các nước ASEAN sẽ thông báo về chính sách an ninh của mỗi quốc gia thành viên. Hội nghị cũng giành thời gian để thảo luận về các sáng kiến, chương trình và giải pháp hợp tác cụ thể liên quan đến các vấn đề an ninh góp phần đảm bảo an ninh khu vực. Đồng thời thảo luận về cơ chế, hình thức tổ chức Hội nghị MACOSA tiếp theo.

Về ý nghĩa cơ bản của Hội nghị MACOSA: Đây là diễn đàn đầu tiên hội tụ những người đứng đầu Cơ quan An ninh của các nước ASEAN để cùng trao đổi một cách bình đẳng và thực chất về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế quan trọng, bàn về hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Đồng thời thống nhất các giải pháp giữa Cơ quan An ninh các nước trong ASEAN nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và đưa ra các biện pháp, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hợp tác an ninh giữa các nước ASEAN, tạo ra bước đột phá cho việc xây dựng “Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN” và đi đến hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Cơ quan An ninh các nước ASEAN; phục vụ yêu cầu đảm bảo an ninh của mỗi quốc gia thành viên và cho khu vực, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định với hợp tác phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2010, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, ngoài nhiệm vụ quan trọng Đảng, Chính phủ giao cho là phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho mọi sự kiện ASEAN diễn ra tại Việt Nam, việc Bộ Công an Việt Nam đưa ra sáng kiến MACOSA và tổ chức thực hiện thành công sáng kiến này, sẽ góp phần làm đậm thêm dấu ấn Việt Nam trong năm 2010 lịch sử này. Đến nay, mọi công việc chuẩn bị cho Hội nghị MACOSA đã hoàn tất và chỉ ít ngày nữa Hội nghị sẽ diễn ra. Qua Hội nghị này, hy vọng sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp cho các nước ASEAN và bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam thanh bình, thân thiện, chu đáo và giàu lòng mến khách. Cũng qua Hội nghị này, chúng ta muốn gửi một thông điệp rõ ràng với bạn bè quốc tế: Việt Nam đã sẵn sàng hợp tác và sẽ làm hết sức mình để bảo vệ hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực và của thế giới; làm cho “Ngôi nhà chung ASEAN” của chúng ta ngày càng vững chắc, ngày càng tươi đẹp.

Trung tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an