"Bờ biển Manchester" - Thông điệp về sự hàn gắn

ANTD.VN - “Bờ biển Manchester” do Kenneth Lonergan biên kịch và đạo diễn được Viện phim Mỹ bình chọn là một trong 10 phim hay nhất năm 2016. Nam diễn viên Casey Afleck nhận Quả cầu vàng 2017 cho giải thưởng nam diễn viên chính xuất sắc - thể loại chính kịch.

“Bờ biển Manchester” là bộ phim nói về sự dày vò bản thân của Lee Chandler - một người vượt lên nỗi cô độc và trầm cảm  sau khi chịu đựng hàng loạt mất mát đau đớn của cuộc đời. Bộ phim giàu cảm xúc, nhân văn và đa dạng quan điểm sống. Dường như ở “Bờ biển Manchester”,  Kenneth Lonergan có sự thăng hoa, điều mà những bộ phim ăn khách trước của ông không có được. 

Biển thì thầm về những nỗi đau

Khi xem “Bờ biển Manchester”, bạn sẽ thấy đây là một câu chuyện phức tạp về sự tha thứ, không chỉ tha thứ cho người khác đã gây cho bạn đau đớn, mà còn là tha thứ cho chính mình vì gây nỗi đau cho người khác. Bộ phim là câu chuyện về gia đình, là vượt qua xung đột giữa cha mẹ, con cái, là khích lệ và nuôi dưỡng lòng tốt trong mỗi chúng ta. Và đó còn là bức tranh về tình đoàn kết của một cộng đồng với nền công nghiệp đánh bắt cá. 

Affleck vào vai Lee Chandler, một người đàn ông ít nói và không thân thiện, anh sống một mình trong căn hầm bẩn thỉu và làm gác cổng tại toà nhà cho thuê ở Boston. Người viết kịch bản đã xây dựng một nhân vật dường như không còn thiết sống trên cuộc đời này, sống chỉ còn là bản năng duy trì thân xác.

Cái chết của Joe Chandler, người anh trai mà Lee hết mực yêu thương đã gắn bó anh với trách nhiệm nuôi đứa con trai duy nhất của Joe là Patrick. Trước đó, Joe cùng với Lee và Patrick từng có những kỷ niệm lênh đênh trên biển câu cá, họ đã rất vui vẻ bên nhau.

Không chỉ riêng Lee Chandler mà Patrick cũng đau khổ khi trải qua quãng thời gian cha mẹ chia tay. Mẹ của Patrick, Elise nghiện rượu và ma tuý. Giờ đây Patrick lại thêm nỗi đau mất cha. Nhưng đau khổ của Patrick không thấm vào đâu so với Lee. 

Với “Bờ biển Manchester”,  một kịch bản hay chưa đủ mà phải cần đến tài năng của đạo diễn Kenneth Lonergan và diễn xuất của Casey Affleck mới có thể trở thành tác phẩm hoàn hảo.

Năm năm trước trong lúc say rượu, Lee Chandler đã vô tình làm cháy nhà khiến cả ba đứa con của anh bị chết cháy. Xấu hổ vì tội lỗi của mình, Lee đã cố tự tử nhưng không thành. Randi, vợ anh không chịu đựng nổi cảnh phải sống với người chồng đã gây ra nỗi đau không có gì bù đắp, cô quyết định chia tay Lee. Bỗng chốc mất tất cả, Lee rời Manchester tới Boston sống cuộc đời xa lánh người thân, bạn bè, xa rời quá khứ.

Chính vì lý do đó, Lee Chandler không muốn nhận trách nhiệm làm người giám hộ của Patrick, vì nếu thế Lee sẽ phải quay về sống ở Manchester. Patrick không muốn theo Lee rời đến Boston, cậu không muốn xa bạn gái, bạn bè và đội khúc côn cầu. Hai tâm hồn, hai nỗi đau gặp nhau trong tình huống khó xử, cần phải có thời gian để thích nghi và tìm giải pháp, điều quan trọng là họ cùng vượt qua nỗi đau, mở cánh cửa tâm hồn để tiếp nhận nhau.

"Bờ biển Manchester" -  Thông điệp về sự  hàn gắn  ảnh 2

Điểm cộng cho bộ phim 

Bộ phim đào sâu vào tâm hồn và tính cách của các nhân vật, tạo ra bức tranh với nhiều màu sắc nhưng lại chỉ bằng các khuôn hình rất ít lời thoại. Cảm xúc của các nhân vật như bị nén lại trong các sự kiện cho đến khi không còn chịu đựng nổi, nó bùng phát va chạm với nhau. Sự tài tình của đạo diễn Kenneth Lonergan ở chỗ ông cho các nhân vật va chạm cảm xúc với nhau, như không thể dung hoà, thậm chí sử dụng cả hành động thô bạo làm giải pháp để rồi rút ra thông điệp: Không có phương thuốc nào chung để xoa dịu nỗi đau.

Bởi thế, “Bờ biển Manchester” nhắc nhở chúng ta rằng không cần phải có hành động gì lớn lao mà chỉ đơn giản là hãy sống mở rộng tâm hồn, tiếp nhận những khác biệt từ người khác, không cần phải chôn vùi quá khứ đau thương nhưng hãy sống với thực tại, với những con người xung quanh mình. 

Mặt khác, Kenneth Lonergan sử dụng những câu nói, tình huống hài hước đan xen suốt thời lượng 137 phút của phim. Những tình huống gây cười rất đời thường giúp Lee Chandle và Patrick bước đầu tiến tới hoà giải cảm xúc. Nếu không có những chi tiết này, nhân vật trong câu chuyện và ngay cả khán giả cũng sẽ cảm thấy nặng nề, không lối thoát. 

Một biểu tượng thể hiện rõ nét nội dung phim là con thuyền đánh cá mà Joe Chandle để lại cho Patrick và Lee. Con thuyền chở đầy ắp kỷ niệm yêu thương của hai cha con, tình anh em của Joe và Lee, tình cảm gia đình. Con thuyền bị hỏng máy, Lee dự định bán đi lấy kinh phí trang trải cho Patrick học hành.

Nhưng Patrick không đồng ý, cậu đưa ý tưởng bán hết số súng săn của Joe treo trên tường, lấy tiền mua động cơ mới. Họ làm theo hướng đó, con thuyền lại ra khơi. Con thuyền được sửa chữa giống như hai tâm hồn của Lee và Patrick xích lại gần nhau, nỗi đau dường như mờ dần.