Bỏ 3,5 tỷ đồng mua tranh chép Nguyễn Phan Chánh, nhà sưu tầm nghĩ gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bức tranh chép tác phẩm "Lên đồng" của danh họa Nguyễn Phan Chánh vừa được nhà đấu giá Aguttes giao dịch thành công với giá 3,5 tỷ đồng. Đây có thể coi là bức tranh chép đắt giá nhất của hội họa Việt cho tới thời điểm hiện tại.

Bức tranh vừa được bán với giá 136.55 Euro, cộng với thuế phí tương đương 3,5 tỷ đồng. Bức tranh được nhà đấu giá ghi là "Entourage de Nguyen Phan Chanh", tức là gần gũi, tiệm cận với Nguyễn Phan Chánh hay tạm hiểu là tranh chép một tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh.

Bức tranh có kích thước (61,5cm x 84,5cm), không trùng với kích thước phổ biến mà Nguyễn Phan Chánh thường chọn lựa (50cm x 65cm) cho tranh lụa.

Hơn thế, phía trước mặt tranh, bên phải phía dưới có tem hàng chép và con dấu xác nhận của Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bức tranh được chép với kỹ thuật cao, nét bút cho thấy người chép có nghề và am hiểu về phong cách hội họa của Nguyễn Phan Chánh.

Cũng phải nói thêm rằng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào nửa thế kỷ 20 đã từng có hoạt động chép tranh để tặng ngoại giao, chép bán hoặc là để chống tác phẩm gốc bị mất do chiến tranh tàn phá.

Bức tranh chép được vẽ với kỹ thuật cao

Bức tranh chép được vẽ với kỹ thuật cao

Việc chép tranh là hoàn toàn hợp pháp với điều kiện bức tranh chép có kích thước không đồng nhất với tranh thật nhằm phục vụ việc học tập, nghiên cứu. Bức tranh đó cần được chú thích, chứng thực rõ ràng. Ngày nay, các bảo tàng lớn trên thế giới như Louvre (Paris) cũng làm các tác phẩm phiên bản để bán.

Với bức tranh chép này, nếu bỏ tem và con dấu ra có thể dẫn đến hiểu lầm đây là bức tranh thật. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Ban đầu, phiên bản của bức "Lên đồng" có giá khởi điểm là 12 đến 15.000 Euro và được dự đoán chỉ dừng lại ở mức 20.000 Euro, tương đương với 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra tại phiên đấu giá "Họa sĩ châu Á, tác phẩm quan trọng" diễn ra vào ngày 14/3 theo giờ địa phương. Bức tranh đã được mua với giá 3,5 tỷ đồng, mức giá có thể mua được tranh thật của Nguyễn Phan Chánh.

Dấu mộc của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trên bức tranh chép

Dấu mộc của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trên bức tranh chép

Câu hỏi đặt ra là vì sao một bức tranh chép có giá cao như vậy? Nhà sưu tầm liệu có quá mạnh tay? Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (Paris, Pháp), cháu ngoại danh họa Nam Sơn, tranh chép có nghĩa là tranh giả. Các nhà sưu tập thường mua bản gốc của tác phẩm vì nó là độc nhất. Còn tranh chép có mức giá cao ngất ngưởng tới 3,5 tỷ đồng là điều rất khó giải thích. "Có thể, chỉ nhờ dấu mộc của bảo tàng mỹ thuật đã giúp bức tranh chép này nâng giá... chóng mặt", ông Ngô Kim Khôi lý giải.

Còn nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng, bức "Lên đồng" thuộc nhóm 10 bức tranh lụa nổi tiếng nhất của Nguyễn Phan Chánh. Đây cũng là bức mà ngày nay đã thành huyền thoại, vì chẳng biết bức gốc ở đâu nữa. Chính vì vậy, dù là tranh chép, nhưng có bảo chứng rõ ràng (dấu của bảo tàng mỹ thuật Việt Nam), nên "Entourage de Nguyen Phan Chanh" (1892 - 1984) vẫn được bán với giá cao như vậy.

"Dù là tranh chép, nhưng với tuổi đời cả nửa thế kỷ, lại do một người cao tay nghề chép, nên có thể giúp cho những ai thích phong cách tranh của Nguyễn Phan Chánh mà không có tiền mua tranh nguyên bản, thì “chơi tạm” vậy. Thời ông Chánh còn sống, bảo tàng chép xong qua ông thẩm và viết lạc khoản, ký tên, đóng triện. Vậy thì bức chép ấy, nếu giữ được giấy tờ còn quý hơn bức trôi nổi, không rõ gốc tích", nhà nghiên cứu Lý Đợi nói.