Bịt ngay các "lỗ hổng" an ninh

ANTĐ - Đã có những cảnh báo, báo động trước các vụ tấn công khủng bố ở Paris tháng 11-2015 và mới đây tại Brussels, song các giới chức có trách nhiệm vẫn không thể chặn được âm mưu của những kẻ khủng bố. Điều này cho thấy sự hợp tác chưa chặt chẽ của các cơ quan an ninh và chống khủng bố trên toàn thế giới. 

Bịt ngay các "lỗ hổng" an ninh ảnh 1

Ba kẻ tình nghi trong vụ tấn công khủng bố ở Thủ đô Brussels của Bỉ

Vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Brussels ngày 22-3, nơi được xem là “trái tim” của châu Âu có trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và liên minh quân sự hùng mạnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) làm ít nhất 34 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương diễn ra trong bối cảnh cả nước Bỉ và châu Âu đang được đặt trong tình trạng báo động an ninh cao từ vụ tấn công khủng bố vào Thủ đô Paris, Pháp tháng 11-2015.

Sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, khi phát hiện những kẻ khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành công tác chuẩn bị tại Brussels, lực lượng an ninh Bỉ đã tổ chức nhiều cuộc vây bắt nhằm triệt phá và bắt giữ những phần tử khủng bố đã thực hiện vụ tấn công này.

Thế nhưng, lực lượng cảnh sát Bỉ mới bắt được Salah Abdeslam - kẻ lên kế hoạch cho vụ tấn công vào Paris ngày 21-3 vừa qua, dù nghi phạm bị truy lùng gắt gao nhất tại châu Âu này chỉ lẩn trốn tại quận Molenbeek ở ngay Thủ đô Brussels trong suốt 4 tháng qua. 

Điều đó đã làm dấy lên hoài nghi về hiệu quả của lực lượng chống khủng bố của nước Bỉ. Trong khi đó, với vị trí được xem như “Thủ đô” của châu Âu, Bỉ là một mắt xích rất quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố ở châu lục này cũng như thế giới.

Đã có những cảnh báo, báo động ở cấp độ cao trước các vụ tấn công khủng bố ở Paris tháng 11-2015 và mới đây tại Brussels, song các giới chức có trách nhiệm vẫn không thể chặn được âm mưu của những kẻ khủng bố. Điều này cho thấy sự hợp tác chưa thực sự chặt chẽ của các cơ quan an ninh và chống khủng bố ở châu Âu nói riêng và nhiều nơi khác trên thế giới nói chung. 

Chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố của Đức Guido Steinberg ngày 23-3 đã chỉ ra vụ khủng bố ở Brussels làm lộ rõ lỗ hổng nghiêm trọng trong nỗ lực hợp tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan an ninh và tình báo châu Âu. Theo ông, kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001 đến nay, hợp tác của các cơ quan an ninh châu Âu gần như không được cải thiện, đặc biệt trong việc trao đổi thông tin tình báo về các đối tượng tình nghi khủng bố.

Nhìn nhận ở góc độ khác từ vụ tấn công khủng bố Brussels, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi châu Âu ngừng “trò chơi địa chính trị” để đoàn kết nhằm ngăn chặn khủng bố, bắt đầu từ chính cựu lục địa. Trong cuộc gặp ngày 23-3 với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, ông Lavrov cũng kêu gọi các nước châu Âu phá bỏ rào cản về tư tưởng và địa chính trị để cùng đối phó nạn khủng bố.

Ngoại trưởng Nga không nói thẳng ra, song ai cũng biết hiện giữa Nga và các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đã có khác biệt về việc tiêu diệt IS khi Matxcơva muốn trước hết dồn lực tiêu diệt tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất hiện nay này, song phương Tây lại muốn lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.

Bởi thế, để các vụ tấn công khủng bố như ở Paris hay Brussels không tái diễn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có những thay đổi căn bản để không còn những mắt xích hay hợp tác lỏng lẻo cho những kẻ khủng bố lợi dụng thò vào bàn tay đẫm máu.