Bịt lỗ hổng thiếu nhân lực y tế vì Covid-19 bằng các “Cô dâu bác sĩ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 càn quét, khiến cho hệ thống y tế của Pakistan lâm vào khó khăn, khủng hoảng vì thiếu nhân lực, trong khi đó, hàng chục nghìn nữ bác sĩ đang phải ngồi ở nhà sau khi kết hôn, tài năng của họ bị lãng phí giữa lúc hàng triệu người không được chăm sóc y tế.
Đại dịch Covid-19 khiến Pakistan càng lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực ngành y

Đại dịch Covid-19 khiến Pakistan càng lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực ngành y

Nữ bác sĩ không được khuyến khích làm việc sau khi kết hôn

Tại quốc gia Nam Á này, nhiều gia đình khuyến khích con gái của họ học y khoa. Tuy nhiên, lý do hoàn toàn không phải để phát triển sự nghiệp mà là để làm đẹp “hồ sơ” với mong muốn có một cuộc hôn nhân như ý. Hiện tượng này thậm chí phổ biến đến mức các cô gái đó được được gọi là những “Cô dâu bác sĩ”. Ở Pakistan, các nữ bác sĩ không được khuyến khích tiếp tục làm việc sau khi kết hôn.

Xót xa trước trình trạng lãng phí nhân lực, chuyên môn ngành y, đặc biệt trong khi đại dịch Covid-19 khiến tình trạng thiếu hụt bác sĩ, nhân viên y tế do số lượng bệnh nhân không ngừng tăng, bà Sara Saeed Khurram, một doanh nhân đã thiết lập một nền tảng y tế từ xa cho phép các nữ bác sĩ, nhân viên y tế cung cấp dịch vụ tư vấn điện tử từ nhà của họ cho bệnh nhân ở các khu vực nông thôn, cộng đồng hẻo lánh. “Một nửa dân số ở Pakistan chưa từng đến gặp bác sĩ trong đời. Trong khi đó, chúng tôi gặp phải thách thức lớn về nhân lực vì hơn 60% bác sĩ của chúng tôi là phụ nữ, nhưng hầu hết lại không làm việc” - bà Khurram, Giám đốc điều hành doanh nghiêp Sehat Kahani cho biết.

Sehat Kahani là một trong số nhiều doanh nghiệp xã hội đang tìm cách xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Họ đang không ngừng đổi mới để lấp đầy khoảng cách về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các nước đang phát triển. Nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách hơn do cuộc khủng hoảng y tế vì Covid-19. Bà Sara Saeed Khurram cho biết, bà đã chứng kiến số lượng bệnh nhân tăng gấp hàng chục lần trong đại dịch Covid-19, thậm chí nhiều người không hề được tiếp cận dịch vụ y tế. Bà bày tỏ tin tưởng rằng, mô hình này có thể được nhân rộng ở các nước đang phát triển khác, những nơi thiếu bác sĩ.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, Sehat Kahani đã thành lập 35 phòng khám y tế từ xa cho các khu vực nông thôn trên khắp đất nước Pakistan. Chỉ một khoản phí nhỏ, bệnh nhân có thể gặp y tá, người sẽ liên kết họ thông qua nền tảng công nghệ với bác sĩ. Các y tá được đào tạo để tiến hành các bước kiểm tra cần thiết do bác sĩ hướng dẫn. Những bác sĩ này không cần phải có mặt trực tiếp mà có thể ngồi làm việc ở nhà, thậm chí ở nơi cách xa đến hàng trăm km.

Ngoài ra, bệnh nhân nếu có điện thoại thông minh cũng có thể liên hệ trực tiếp với bác sĩ thông qua một ứng dụng. Bà Khurram cũng là một bác sĩ cho biết, hiện tượng bác sĩ - cô dâu khiến tình trạng chảy máu chất xám trong ngành y thêm trầm trọng, có nghĩa là chỉ có 90.000 trong số 200.000 bác sĩ được đào tạo của Pakistan đang hành nghề tại nước này. Bà nói: “Một nữ bác sĩ sẽ có nhiều lựa chọn tốt cho hôn nhân của mình, nên ai cũng muốn con gái mình trở thành bác sĩ, nhưng không phải ai muốn con dâu của mình ra ngoài đi làm. Nền tảng của chúng tôi mở ra cơ hội cho cả các nữ bác sĩ này và bệnh nhân. Giờ đây, họ có thể mở một phòng khám ảo, khám từ xa ngay trong chính ngôi nhà của mình”- Bà Khurram nói.

Sứ mệnh nhân đôi

Tại quốc gia láng giềng Ấn Độ, nơi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã trở thành thảm họa chưa từng có khiến hệ thống y tế nơi đây bị “vỡ trận”, doanh nhân Kunaal Dudeja cho biết, đất nước cần thêm khoảng 30 triệu chuyên gia chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ các bác sĩ và y tá.

Năm 2018, Kunaal Dudeja đồng sáng lập Viện Virohan để đào tạo những người trẻ, những người có thu nhập thấp hơn, trong hàng chục nhân viên y tế từ kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đến y tá, hộ lý. “Sứ mệnh xã hội của chúng tôi là nhân lên gấp đôi - cải thiện đáng kể chất lượng chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ và cải thiện cuộc sống của những người trẻ tuổi” - anh Dudeja nói và cho biết thêm rằng, số lượng sinh viên đã tăng hơn gấp đôi trong thời kỳ đại dịch. “Chúng tôi đang cung cấp một sự nghiệp đầy triển vọng và giúp họ vượt qua các rào cản kinh tế xã hội”.

Sau khi đủ điều kiện, một thực tập sinh có thể tăng gấp bốn lần thu nhập họ sẽ kiếm được với nhiều loại hình công việc mở ra trước mắt họ. Hầu hết trong số 5.500 sinh viên tốt nghiệp của Virohan hiện đang làm việc trên tuyến đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19. Hiện công ty này đang hoạt động ở 5 bang của Ấn Độ và đang tìm cách mở rộng phạm vi ra khắp cả nước, thậm chí sang cả Sri Lanka.

Trở lại với công ty của bà Khurram, bà cho biết đã liên lạc với chính phủ liên bang để các nữ bác sĩ tư vấn miễn phí cho các bệnh nhân trong đợt Covid-19 đầu tiên. Ngoài ra, công ty của bà cũng cài đặt các ứng dụng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, cho phép các bác sĩ cấp dưới nhận được lời khuyên ngay lập tức từ các chuyên gia cao cấp ở các nơi khác. “Trong đại dịch, các giải pháp như thế này có thể là rất quan trọng. Nó giúp cứu sống nhiều mạng người” - bà Khurram nói.