Bịt “lỗ hổng” bảo mật

ANTĐ - Chiếc điện thoại thông minh (smartphone) hiện nay đã trở thành “vật bất ly thân” của các giới chức cũng như doanh nhân, công chức... khắp thế giới song cũng vì thế mà nỗi lo lộ bí mật, thậm chí bí mật quốc gia, ngày càng lớn.

Chính phủ Pháp lo lộ bí mật thông tin từ điện thoại thông minh

Tuần báo “Express” (Tin nhanh) bản điện tử của Pháp ngày 10-9 đăng tải thông tin cho biết Chính phủ nước này đã cấm các bộ trưởng sử dụng smartphone để gửi thông tin mật. Theo tờ báo, Ban thư ký của Thủ tướng Jean-Marc Ayrauld đã gửi chỉ thị này cho tất cả các vị bộ trưởng của nước Pháp hồi trung tuần tháng 8 vừa qua.

Chính phủ Pháp đưa ra biện pháp thắt chặt an ninh mạng nói trên trong bối cảnh thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ rò rỉ thông tin gây chấn động toàn cầu, đặc biệt là vụ cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ Chính phủ Mỹ đã tiến hành do thám quy mô lớn trên toàn thế giới. Những tiết lộ của cựu điệp viên Snowden cho thấy Mỹ cũng tiến hành do thám cả các nước đồng minh thân cận nhất của họ.

Đồng minh với nhau còn như vậy thì chẳng cần nói ra cũng đủ biết đối thủ của nhau hay có lợi ích xung khắc, bất đồng với nhau... còn tiến hành do thám qua mạng thông tin ghê gớm tới mức độ nào. Bởi thế, không chỉ có Pháp, nhiều quốc gia khác từ khá sớm cũng đã đề cao cảnh giác cũng như tiến hành các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa trước việc có thể lộ những thông tin mật.

Trước Pháp, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trung tuần tháng 7 vừa qua cũng đã ra lệnh tất cả các nhân viên phải cài đặt một ứng dụng cho điện thoại thông minh, nhằm tránh rò rỉ các thông tin quân sự. Theo đó, bắt đầu từ ngày 15-7, tất cả 1.500 nhân viên Bộ Quốc phòng Hàn quốc không được mang điện thoại thông minh vào văn phòng nếu không cài đặt ứng dụng có tên “Thiết bị quản lý di động”. Thiết bị này hạn chế việc sử dụng những chức năng của điện thoại thông minh như chụp ảnh, ghi âm... nhằm ngăn chặn những rò rỉ thông qua điện thoại và ngăn người ngoài thâm nhập vào các thiết bị của giới chức Bộ Quốc phòng.

Không đến mức quá chặt chẽ như Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, chỉ thị của Chính phủ Pháp yêu cầu, nếu các bộ trưởng sử dụng điện thoại thông minh mua trên mạng lưới bán hàng thông thường thì không được sử dụng nó để gửi những thông tin mật; và bất kỳ thông tin nào về các kế hoạch công tác, thậm chí không có ký hiệu mật, chỉ được chuyển qua các thiết bị đã được Cơ quan an ninh hệ thống thông tin quốc gia Pháp (ANSSI) chứng nhận an toàn. Chỉ thị cũng khuyến cáo các bộ trưởng rằng ở nước ngoài các cuộc điện đàm hay chuyển thông tin qua mạng điện tử có thể bị nghe lén hoặc bị đánh cắp, đặc biệt là tại các khu vực đặt trụ sở của các tổ chức quốc tế, sân bay, khách sạn, nhà hàng hay quán cafe-internet.

Điện thoại thông minh với những chức năng và tiện ích ngày càng nhiều, càng hiện đại song từ đó cũng gây ra những “lỗ hổng” bảo mật nghiêm trọng mà nếu không phòng ngừa như Pháp hay Hàn Quốc... có thể dẫn tới những hậu họa khôn lường.