Bịt kẽ hở chuyển giá (2): Không thể “tặc lưỡi” cho qua

ANTĐ - Thủ đoạn tinh vi của các doanh nghiệp vi phạm cùng những kẽ hở trong hệ thống chính sách ưu đãi là những yếu tố khiến công tác chống chuyển giá gặp rất nhiều khó khăn. Song qua hàng loạt phi vụ chuyển giá trong thời gian vừa qua, các chuyên gia kinh tế đã khẳng định, nếu thực sự quyết tâm thì khả năng thành công của việc chống chuyển giá vẫn rất cao. 

Thực trạng báo động

Năm 2012, cơ quan thuế đã thanh tra và kiểm tra tại 2.161 doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá, truy thu vào ngân sách Nhà nước hơn 746 tỷ đồng. Năm 2013, tiếp tục thanh tra, kiểm tra tại 2.161 doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan thuế đã truy thu gần 1.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ 139,5 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 4.192 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2014, kiểm tra tại 39.000 doanh nghiệp, đã phát hiện gần 2.000 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu hơn 1.317 tỷ đồng và giảm lỗ lên tới hơn 4.129 tỷ đồng. Những con số nói trên cho thấy, tình trạng doanh nghiệp “dàn cảnh” lỗ giả, lãi thật bằng cách chuyển giá là đáng báo động. 

Hiện nay, dấu hiệu chuyển giá không chỉ được phát hiện tại các doanh nghiệp FDI mà đang lan sang cả các doanh nghiệp trong nước. Một trong những “chiêu trò” phổ biến là doanh nghiệp đua nhau lập ra các công ty con ở địa bàn được ưu đãi về thuế (các tỉnh miền núi, khó khăn) để đưa lợi nhuận về khu vực này.

Thời gian qua, cơ quan thuế liên tiếp phát hiện, xử lý các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hành vi chuyển giá mà mới đây nhất là Metro. Đây là bằng chứng mới khẳng định thêm những nghi ngờ của công luận về tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp tầm quốc tế là có cơ sở. Đây cũng là lời cảnh báo ở mức độ cao hơn với “trò chơi” chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như một số doanh nghiệp trong nước. 

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sau khi công bố kết quả thanh tra Metro, đích ngắm sắp tới là các doanh nghiệp nằm trong diện nghi vấn chuyển giá. Cơ quan thanh tra đang thu thập tài liệu, nếu có căn cứ là sẽ tiến hành thanh tra, xử lý, kể cả với các doanh nghiệp lớn. 

Thực trạng chuyển giá cũng đã từng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận: “Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề chuyển giá, tránh thuế không chỉ xảy ra tại Việt Nam, mà còn xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề là chúng ta phải quản lý tốt, làm sao vừa thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, vừa đảm bảo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Còn quá nhiều kẽ hở

Đánh giá về những khó khăn trong công tác chống chuyển giá, ông Vũ Xuân Tiền - Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng: “Cuộc chiến chống chuyển giá là rất khó khăn do quy định có nhiều kẽ hở. Sở dĩ các doanh nghiệp FDI có cơ hội trốn thuế và công cuộc chống chuyển giá trở nên khó khăn hơn là do cán bộ thuế yếu kém. Để có thể chống chuyển giá, ngoài năng lực chuyên môn, cán bộ thuế phải rất giỏi tiếng Anh, giỏi thật sự chứ không phải thông qua phiên dịch. Thứ hai là phải am hiểu pháp luật thuế của nước sở tại. Khi đó, mới có khả năng để chống chuyển giá”, vị chuyên gia này chỉ rõ.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhận xét: “Có thể nói, trong một thời gian dài, chúng ta đã “ngủ quên”, thậm chí bất lực trước hoạt động chuyển giá khiến môi trường đầu tư mất công bằng và ngân sách bị thất thoát”. 

“Việc chứng minh chuyển giá khó nên không loại trừ khả năng cơ quan quản lý, cán bộ chuyên ngành “tặc lưỡi” cho qua. Cũng không loại trừ khả năng một số cán bộ bị doanh nghiệp mua chuộc, trở thành “người vẽ đường” cho doanh nghiệp trốn thuế. Mặt khác, cơ sở pháp lý đến nay cũng chưa thực sự hoàn thiện, có nhiều kẽ hở để các doanh nghiệp lách. Ngoài ra, năng lực kiểm soát của bộ máy, kinh nghiệm cũng như hệ thống dữ liệu để tham chiếu còn chưa đủ sức đáp ứng”, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá.

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, qua những vụ việc được phát hiện vừa rồi, có thể thấy, dù khó nhưng nếu thực sự quan tâm xử lý thì khả năng thành công của việc chống chuyển giá vẫn rất cao. Cần có những bổ sung về mặt pháp lý để các doanh nghiệp có ý định chuyển giá nhận ra rằng, dù có chuyển giá cũng không thực sự an toàn. Ví dụ, các hoạt động kinh doanh kể cả đã khép lại như chuyển nhượng vốn, bán cho công ty nước ngoài... vẫn có thể bị truy cứu lại.

Và chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm của TS. Nguyễn Minh Phong, một yếu tố rất quan trọng khác là đào tạo con người, lựa chọn cán bộ làm công tác quản lý. Cán bộ ngoài năng lực, trình độ thì phải có trách nhiệm thì mới chống được chuyển giá; thì mới không “vẽ đường hươu chạy” và không “tặc lưỡi” cho qua. Bởi chỉ một cái “tặc lưỡi” là ngân sách của chúng ta sẽ thất thoát tới hàng chục tỷ đồng, thậm chí còn nhiều hơn thế nữa.                           

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt chống chuyển giá, trốn thuế

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế, tập trung rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí… vào ngân sách Nhà nước.