Bình chữa cháy cho xe ô tô: Không nên ham rẻ mua hàng trôi nổi

ANTĐ - Theo quy định, từ 6-1, xe ô tô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị bình chữa cháy. Do vậy, những ngày gần đây, thị trường mua bán sản phẩm này khá sôi động. Tại các cửa hàng, trên mạng xã hội, bình chữa cháy mini được rao bán với nhiều chủng loại với giá cả khác nhau, khiến khách hàng như lạc vào ma trận.

Bình chữa cháy cho xe ô tô: Không nên ham rẻ mua hàng trôi nổi ảnh 1

Trang bị bình chữa cháy trong xe ô tô để đảm bảo an toàn

Có cầu ắt có cung

Theo anh Vũ Quang Tùng ở ngõ 165 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, quy định này là cần thiết nhằm bảo vệ an toàn cho người và phương tiện khi xảy ra sự cố cháy nổ, song anh khá băn khoăn về việc, nếu để bình chữa cháy trên xe, khi đi vào địa hình không bằng phẳng, xe rung lắc liên tục, liệu bình có khả năng phát nổ? Bên cạnh đó, Thông tư chỉ quy định dung tích tối đa mà không quy định dung tích tối thiểu của bình như hiện nay sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng chống đối, như chủ xe có thể đặt bình chữa cháy rất nhỏ là coi như không vi phạm quy định. 

Để đảm bảo an toàn cho gia đình, anh Tùng muốn tìm mua bình chữa cháy có chất lượng tốt đặt trong xe. Song qua mấy ngày tìm hiểu, tham khảo về mẫu mã, giá cả của sản phẩm này, anh Tùng khá hoang mang. “Với cùng một loại bình, nơi bán 100.000 đồng, nơi lại báo giá 150.000 đồng, thậm chí có loại có giá tới 1,5 triệu đồng, mà chỗ nào cũng khẳng định hàng chính hãng, chất lượng tốt, đã được kiểm định bởi cơ quan PCCC nên tôi không biết đâu mà lần” - anh Tùng chia sẻ.

Với tâm trạng tương tự, chị Lê Thu Vân - nhân viên ngân hàng ở quận Ba Đình cho biết, cách đây vài hôm chị mua một bình chữa cháy mini giá 120.000 đồng và cảm thấy an tâm hơn khi lái xe. Tuy vậy, chị vẫn chưa biết để bình ở chỗ nào trong xe cho hợp lý và bình có thể chịu được nhiệt độ tối đa là bao nhiêu? Hôm đầu chị Vân để bình chữa cháy trong cốp xe nhưng khi xe di chuyển gây rung lắc mạnh nên chị Vân lại để  ngay cánh cửa xe, rồi dưới chân…, nhưng chỗ nào chị Vân cũng cảm thấy khá bất tiện, nhất là khi có trẻ nhỏ trong xe.

“Tôi cho rằng, việc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô là điều nên làm, nhất là đối với những xe chuyên chở hàng hóa dễ cháy. Nhưng với một không gian bên trong nhỏ hẹp như xe 4 chỗ, thì khi xảy ra sự cố, lái xe thao tác khá bất tiện. Để quy định này phát huy hiệu quả, trước mắt thay vì xử phạt, các cơ quan chức năng nên tăng cường hướng dẫn các chủ xe về vị trí đặt bình, cách sử dụng khi xảy ra cháy nổ, dấu hiệu phân biệt bình chữa cháy “xịn” với bình giả, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng” - chị Vân đề xuất.

Chớ ham rẻ vớ phải hàng rởm

Trong vai khách hàng, chúng tôi gọi điện tới số điện thoại được đăng công khai trên mạng xã hội quảng cáo bán “bình chữa cháy nhập khẩu chất lượng cao dành cho xe ô tô” thì được người nghe điện thoại giới thiệu “cửa hàng bán bình chữa cháy loại 500ml chứa CO2 lỏng, được sản xuất theo công nghệ Ý, giá 150.000 đồng/bình. Loại rẻ hơn còn có bình xuất xứ từ Trung Quốc giá 120.000 đồng”. Tuy vậy, khi chúng tôi đặt câu hỏi “loại bình này đã được kiểm định chất lượng chưa và có được bảo hành không”, thì bên bán trả lời, “do là hàng xách tay từ nước ngoài nên không có tem kiểm định. Cửa hàng chỉ nhận bảo hành đối với khách lấy hàng số lượng lớn”?!

Theo anh Nguyễn Xuân Thanh - chủ cơ sở chuyên lắp đặt thiết bị PCCC tại quận Đống Đa, trên thị trường hiện nay, bình cứu hỏa dùng cho ô tô có 2 loại, bình 1kg và 500ml. Bình 500ml có ưu điểm là nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ, song vỏ bình mỏng và chỉ dùng được một lần. Loại bình 1kg có thể nạp lại sau khi sử dụng, vỏ bằng thép chắc chắn hơn nhưng giá cao hơn. Nguyên tắc khi đặt bình chữa cháy trong xe ô tô là phải trong tầm với của người lái để có thể xử lý nhanh khi xảy ra sự cố. Do đó, vị trí tốt nhất để đặt bình cứu hỏa là ở dưới gầm ghế, hốc để đồ trên cánh cửa hoặc dưới chân hành khách phía trước. 

“Để đảm bảo an toàn, khách hàng không nên ham rẻ mua bình cứu hỏa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm định bày bán trôi nổi trên thị trường. Bên cạnh đó, chủ xe cũng cần kiểm tra thường xuyên, lưu ý hạn sử dụng để thay bình định kỳ và không nên để bình chữa cháy trong tầm tay của trẻ em để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc” - anh Thanh khuyến cáo.

Cách để bình chữa cháy trên xe ô tô
Về việc sử dụng và để bình chữa cháy tại vị trí nào cho phù hợp trên phương tiện, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: “Việc đầu tiên chủ phương tiện nên mua bình chữa cháy chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ và có tem kiểm định theo quy chuẩn của cơ quan chức năng. Về vị trí để bình chữa cháy trong xe ô tô, phải tùy thuộc vào từng loại phương tiện cụ thể, ví dụ xe du lịch 4 chỗ loại nhỏ có thể trang bị bình chữa cháy cỡ 450ml hoặc to hơn tùy thuộc vào khả năng bố trí của từng người, bình chữa cháy càng to thì hiệu quả càng cao. Với phương tiện này, cần để bình tại vị trí dễ lấy nhưng phải cố định chắc chắn, hạn chế tối đa sự va đập và không để ở nơi có nhiệt độ cao quá 55 độ C. Về quá trình sử dụng bình chữa cháy, nếu không may khi xe gặp sự cố cháy, lái xe cần bình tĩnh mở nắp vòi xịt và hướng vào ngọn lửa. Khi thực hiện thao tác cần chính xác, nhanh gọn và đặc biệt không được chúi người về hướng lửa mà phải nghiêng mặt theo hướng đối diện ngọn lửa để tránh việc khi xịt bất ngờ lửa bùng mạnh gây nguy hiểm”.