Bịn rịn ly hương sau Tết sum vầy đoàn tụ

ANTĐ - Đoàn tụ, vui vẻ, chúc tụng nhau trong những ngày Tết cổ truyền, họ lại chia tay, đón Xuân trên đường để ly hương tiếp tục cuộc sống mưu sinh.

Mỗi người mỗi nghề, làm lụng vất vả mưu sinh trên đất người, tiết kiệm chi tiêu, gói ghém từng đồng, để rồi cuối năm về quê sum họp với gia đình, thắp nén hương cho ông, bà, tổ tiên, ai cũng cầu mong điều lành đến, cuộc sống mới được hạnh phúc, đủ đầy… Đoàn tụ, vui vẻ, chúc tụng nhau trong những ngày Tết cổ truyền, họ lại chia tay, đón Xuân trên đường để ly hương tiếp tục cuộc sống mưu sinh.

Bịn rịn ly hương sau Tết sum vầy đoàn tụ ảnh 1


Bịn rịn ly hương sau Tết

Sáng 28/1/2012 (mùng 6 Tết Nhâm Thìn), dưới cái nắng ấm sau những ngày mưa, dọc theo quốc lộ 1A từ TP Quảng Ngãi đến huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức ai cũng dễ nhận thấy cảnh đùm túm, chia tay nhau tiễn đưa người thân lên đường vào Nam… Đón xe đường dài trong những ngày này thật khó, nếu may mắn ai đón được xe có chỗ ngồi đàng hoàng thì người thân rất an tâm, vui mừng. Nhưng khi lên xe đi rồi thì cả người đi và người ở lại đều bịn rịn, nước mắt lại chảy dài trên gò má… có lẽ lâu lắm họ mới được gặp lại lần nữa.

Cả nhà đi đón xe vào Nam cho người thân.

Anh Nguyễn Phan Hưng – quê ở huyện Tư Nghĩa tâm sự: mình làm công nhân ở Sài Gòn hơn 10 năm nay, Tết nào cũng vậy về quê được mấy ngày lại phải vào để làm việc. Muốn ở lại với gia đình, bạn bè chơi thêm vài hôm nữa nhưng vào muộn sẽ bị cắt lương, nhà trọ lại khó tìm. Từ ngày vào Nam đến nay, năm nào cũng được gặp vợ, gặp con được năm, sáu ngày Tết, buồn lắm nhưng biết làm sao được… Nói xong anh Hưng lại ôm đứa con mới học lớp 2 vào lòng khóc… Nhìn cảnh ly hương, khiến ai cũng chạnh lòng, tôi cầu mong cho Hưng làm ăn khấm khá để có điều kiện về quê thăm con nhiều hơn.

Những đôi uyên ương chia tay nhau trên quốc lộ 1A.

Mỗi người mỗi cảnh, nhưng hầu như cuộc chia tay nào cũng bịn rịn, nỗi buồn để lại trong lòng cả người đi và ở lại. Theo quốc lộ 1A khoảng 20 cây số, đến thị trấn Mộ Đức, hình như đây là địa điểm chung để mọi người đón xe vào Nam. Cả người đi và tiễn có đến hàng trăm người, ba lô, quà Tết… để chật cả vỉa hè thị trấn. Nhộn nhịp nhưng niềm vui, nỗi buồn cứ xen lẫn vào nhau, mới thấy cười hớn hở đó nhưng rồi lại bịn rịn. Dắt chiếc xe máy 50 cũ kỹ, với vẻ mặt buồm đượm, vì mới tiễn chồng lên xe vào Nam, chị Võ Thị Hương, quê ở huyện Mộ Đức bùi ngùi: Năm nào cũng vậy, đến mùng 6 Tết là ảnh đi rồi, vì điều kiện kinh tế ở quê khó khăn quá, 3 đứa con còn đang học, đứa lớn nhất đang học lớp 10, nhỏ nhất học lớp 1. Ảnh vào trong đó bán hủ tiếu còn chị ở ngoài này làm ruộng, chăm sóc mấy đứa con ăn học. Hôm nay ảnh đi, đêm qua cả nhà đều thức trắng, riêng thằng cu út cứ ôm chặt cứng ba nó, bảo ba nó đừng đi, đến gần sáng nó mệt quá ngủ quên. Thấy nó ngủ ngon, ba nó lẻn dắt xe máy đi xuống thị trấn đón xe…

Một thanh niên vác va li lên xe cho người thân.

Chỉ riêng huyện Mộ Đức, mỗi năm có đến hàng ngàn người ly hương vào Nam sinh sống, từ bán vé số, làm công, bán hủ tiếu đến công nhân… cuộc sống của họ khó khăn trăm bề. Nếu ai có dịp đi trên quốc lộ 1A qua Quảng Ngãi trong những ngày này chắc cũng không khỏi chạnh lòng cảnh ly hương của bà con niềm quê nghèo, sỏi đá này.